velasboost là startup trong lĩnh vực phụ kiện công nghệ mang thương hiệu Việt, đạt chứng nhận MFi từ Apple. Tất nhiên, thuyền trưởng lèo lái con tàu velasboost là ông Lê Hải Vũ.
Xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 5 là velasboost - startup phụ kiện công nghệ của Việt Nam, chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ cho hệ sinh thái của điện thoại thông minh và máy tính. Cụ thể, velasboost đã nhận được 5 chứng chỉ MFi - chứng chỉ chất lượng được cấp bởi Apple. Hãng còn có tai nghe không dây đạt chuẩn APTX của Qualcomm.
velasboost do ông Lê Hải Vũ điều hành. Cuối năm 2020, đầu năm 2021, startup này cho ra đời sản phẩm sạc nhanh đầu tiên và bán được 2.000 sản phẩm chỉ sau 2 ngày ra mắt. Doanh thu tính từ tháng 4/2021 đến tháng 4/2022 đạt 6 tỷ đồng, lợi nhuận gộp khoảng 2 tỷ đồng, lợi nhuận ròng khoảng 15%.
Sau chương trình, chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng vị CEO tương đối khá kín tiếng này.
Có rất nhiều "ông lớn" đang cạnh tranh thị phần trong mảng phụ kiện, đặc biệt là phụ kiện điện thoại. Niềm tin nào đã thúc đẩy anh bắt đầu tại lĩnh vực được cho là ngách như thế này?
Mảng phụ kiện điện thoại là thị trường lớn chứ không hề ngách. Dù các thương hiệu làm phụ kiện cũng rất nhiều, nhưng nếu để nói về những thương hiệu nổi tiếng và có chất lượng ở Việt Nam thì cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết sản phẩm đều tới từ Trung Quốc. Nếu như nhắc đến thương hiệu phụ kiện công nghệ Việt thì trước đó chúng ta cũng khó tìm ra cái tên nào nổi bật.
Mặt khác, chúng ta cũng đã có smartphone Việt, có ôtô Việt. Chính vì điều đó mà tôi nghĩ đến một thương hiệu phụ kiện công nghệ Việt. Điều này hoàn toàn có thể làm được với nguồn lực của bản thân.
Nhờ kinh nghiệm kinh doanh các sản phẩm công nghệ từ thời còn là sinh viên và tự mở cửa hàng từ năm cuối đại học và duy trì tới tận bây giờ, thì tôi nhận ra việc nước nhà đang thiếu thương hiệu về phụ kiện công nghệ. Chính vì bán lẻ trong ngành này, nên tôi nhận thấy nhu cầu rất lớn. Khách hàng không có lựa chọn nào ngoài các thương hiệu ngoại chứ không phải không mua sản phẩm Việt. Nhưng nếu phụ kiện Việt mà chất lượng kém thì cũng khó thuyết phục được khách hàng. Vì vậy, bản thân tôi tin rằng nếu mình làm được sản phẩm đạt chất lượng quốc tế thì sẽ có cơ hội để bắt đầu.
"Ai làm kinh doanh cũng muốn nhiều tiền nhưng quan điểm của tôi, kinh doanh cũng là đam mê."
velasboost tuy là thương hiệu Việt nhưng lại gia công tại Trung Quốc. Anh có lo sợ khách hàng nghĩ rằng đây chỉ là “sản phẩm Trung Quốc” và bỏ qua thương hiệu để chọn phụ kiện khác có thương hiệu Nhật hay Mỹ?
Xét trên phương diện vĩ mô, hiện tại Trung Quốc là nơi có nhiều thương hiệu phụ kiện lớn nhất chứ không phải Nhật hay Mỹ. Nhật gần như còn vắng bóng trên thị trường này.
Ngoài ra, các thương hiệu lớn tại Mỹ cũng đang gia công tại Trung Quốc, và đó cũng là cách mà cả thế giới đang làm. velasboost cũng không ngoài guồng quay đó, và để bắt nhịp với thế giới thì chúng ta cần phải học hỏi cách làm của họ, điều đấy là tốt cho chính mình.
Vì lo sợ khách hàng không tin vào sản phẩm, nên ngay từ đầu chúng tôi đã làm ra thiết bị đạt chứng nhận Apple (MFi) hay Qualcomm. Đây đều là những tiêu chuẩn cao nhất. Vì vậy, khách hàng hoàn toàn có thể tin tưởng tuyệt đối, xuất xứ khi ấy không còn là vấn đề, nó chỉ còn là câu chuyện bên lề. Bởi vì 2 sản phẩm Việt Nam hay nước ngoài đứng cạnh nhau là hoàn toàn sòng phẳng về mặt chất lượng.
Thường thì doanh nhân hay đọc sách hoặc lấy ai đó làm kim chỉ nam trong công việc. Anh có thể giới thiệu vài tựa sách hoặc ai đó khiến anh ngưỡng mộ? Thật sự, trước đây, tôi không phải là người đọc quá nhiều sách, mình hay tìm hiểu thông tin qua Internet nhiều hơn. Đó cũng chính là yếu điểm khi mà mình có thực tiễn nhưng lại thiếu lý thuyết.
Khoảng 2 năm trở lại đây, tôi cố gắng đọc thêm sách để khắc phục điều này. Cũng đang cố duy trì 1 tuần 1 cuốn sách, nhưng mà cũng khá khó để làm (cười).
Còn về sách, tôi tập trung vào sách chuyên môn như bán hàng, marketing, quản trị, tài chính. Tôi cũng không lựa chọn sách nào quá "sâu" vì sách viết quá sâu về kiến thức rất khó nạp vào đầu. Do vậy, tôi sẽ chọn sách nào có các ví dụ thực tế. Tôi khá tâm đắc với bộ sách "Hiệu ứng chim mồi 1-2-3" bởi kiến thức trong đấy khá thiết thực và có thể áp dụng ngay sau khi đọc.
Để thương hiệu tạo được sự chú ý từ dư luận, các doanh nhân thường có phát ngôn gây sốc hoặc hoạt động năng nổ trên các trang thông tin. Tuy nhiên, có vẻ như anh dường như thích ẩn mình. Chỉ khi anh lên Shark Tank gọi vốn, mọi người mới biết anh nhiều hơn. Anh hãy chia sẻ một chút về điều này?
Thật ra tôi cũng năng nổ chứ (cười) nhưng mà trong cộng đồng và khách hàng của mình thôi và điều này mới xảy ra khoảng 2 năm gần đây.
Trước đó, tôi sống ẩn dật, vì sợ cái cảm giác công khai và nhận nhiều phản ứng trái chiều từ mạng xã hội. Nhưng rồi việc kinh doanh lớn lên nó lại kéo tôi ra ngoài "ánh sáng", rồi tập quen dần với dư luận.
Việc phát ngôn gây sốc cũng là dạng marketing, nhưng nếu không chuẩn bị tốt về sản phẩm có thể gây ra hiệu ứng ngược. Tôi cũng có cách marketing riêng hiệu quả nên không cần làm điều đó, và mình cũng không muốn làm như thế, bởi một thương hiệu muốn tồn tại lâu dài thì phải có chuẩn mực, chuẩn mực từ sản phẩm tới phát ngôn.
Anh đã tự nhận bản thân là "vua bán lỗ". Nếu lỗ thì làm sao anh có tiền để đầu tư doanh nghiệp nhỉ?
Thật ra đây là cách marketing vui vẻ (cười). Khách hàng họ biết mình không bán lỗ, nhưng sẽ tò mò và tìm hiểu. Khi 2 bên vui vẻ thì rào cản được xóa bỏ, việc mua bán trở nên dễ dàng hơn. Thực tế, tôi cũng đưa ra mức giá tốt ở thị trường, nên "lỗ" cũng mang một chút nghĩa đen, nhưng nghĩa bóng thì nhiều hơn.
Tuy rằng là CEO của một hãng công nghệ nhưng anh lại thường xuyên làm video nhằm giới thiệu sản phẩm cũng như bán hàng. Lý do cho việc này là gì, do công ty thiếu người hay anh đang học tập CEO Lôi Quân của Xiaomi?
Việc CEO bán hàng thì cũng là chuyện bình thường, bởi hầu hết các CEO trên thế giới đều giỏi bán hàng. Bán hàng rất quan trọng, nếu không có doanh thu thì doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại.
Công ty thiếu người thì không phải, tuy nhiên bán những sản phẩm công nghệ thì ngoài việc ăn nói tốt, biết bán hàng thì còn phải hiểu về kỹ thuật, hội tụ nhiều yếu tố thì không phải nhân sự nào cũng có đủ. Vì vậy, trong khi tìm kiếm được người phù hợp thì mình sẽ vẫn phải làm điều đó.
Về câu chuyện này, tôi cho là tốt ở thời điểm bắt đầu startup, vì bản thân đứng ra công khai, nói về sản phẩm, khách hàng họ biết chủ công ty, biết sản phẩm, điều đó khiến họ an tâm hơn. Khi niềm tin có thì họ sẽ sẵn sàng mua hàng.
Đi sâu hơn, các sản phẩm anh bán trên TikTok hay sàn thương mại điện tử khá đa dạng, nhiều thương hiệu khác nhau như Xiaomi, Anker, Hoco. Vậy việc này có ảnh hưởng gì đến velasboost không?
Như tôi có nói, tôi xuất phát điểm từ bán lẻ sản phẩm công nghệ. Hiện tại, tôi cũng đang có 2 công ty (công ty thương mại và công ty velasboost). Công ty thương mại là công ty đã nuôi dưỡng và tạo nên velasboost như hôm nay, từ việc cấp vốn, nhân sự, hệ thống kinh doanh cho thời điểm bắt đầu. Công ty ấy cũng là nơi tìm kiếm khách hàng, ý tưởng cho các sản phẩm của velasboost.
Có thể một số người thấy bất ngờ khi CEO velasboost lại đi bán sản phẩm khác nhưng đó là vì các bạn biết tới velasboost trước. Số đông khách hàng thì biết tới công ty bán lẻ của tôi nhiều năm nay và tôi vẫn kinh doanh các sản phẩm ấy từ rất lâu rồi.
Tôi quan điểm là sản phẩm nào tốt, giá hợp lý thì mình đưa tới tay khách hàng. Trong thế giới phụ kiện công nghệ có quá nhiều thứ hay ho và mới lạ mình muốn mang về Việt Nam cho khách hàng vì bản thân cũng là người yêu công nghệ.
"Tôi quan điểm là sản phẩm nào tốt, giá hợp lý thì mình đưa tới tay khách hàng."
Một điểm nữa là hệ sinh thái velasboost vẫn còn nhiều điểm trống. Các thương hiệu khác họ đang làm tốt sản phẩm đó, danh mục lại đa dạng thì tôi vẫn kinh doanh. Khi nào velasboost có sản phẩm tương tự thì tôi sẽ thay thế dần về sau. Nhưng đó cũng là chặng đường dài.
Livestream bán hàng trên TikTok hay sàn thương mại điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam, đặc biệt là các món đồ công nghệ khi chúng ta có thể dễ dàng thuê reviewer để làm truyền thông, bán trực tiếp. Vậy đó có phải là lý do velasboost không xuất hiện trên chuỗi cửa hàng điện thoại lớn như Di Động Việt, CellphoneS hay TGDĐ?
Lý do velasboost chưa vào các chuỗi lớn là vì chúng tôi muốn tập trung nguồn lực vào làm sản phẩm và bán lẻ trước. Vì quan điểm của tôi "cái gì dễ và an toàn thì mình tập trung đầu tiên" bởi nếu triển khai cùng lúc nhiều mảng chúng tôi chưa thể kiểm soát, đặc biệt là nguồn vốn hạn chế có thể khiến công ty khó khăn khi làm việc đó sớm.
Việc bán lẻ cũng là tiếp xúc khách hàng trực tiếp, có cơ hội hiểu sâu hơn về nhu cầu khách hàng, khi đủ thời gian để chứng minh chất lượng, thương hiệu và tích lũy nguồn lực đủ thì vào các chuỗi cũng chưa muộn.
Hiện nay, theo thông tin trên trang chủ, velasboost chỉ có danh sách chi nhánh tại Hà Nội. Đây có phải là do anh quên cập nhật hay là thật sự chưa có đại lý tại HCM? Anh có nghĩ đến việc sẽ phủ sóng thương hiệu đến các thành phố lớn khác như TP.HCM hay Đà Nẵng trong năm nay không?
Chúng tôi đã dự kiến vào TP.HCM từ năm 2021. Tuy nhiên, do dịch nên phải gác lại. Tất nhiên, chúng tôi đã có kế hoạch trong thời gian rất ngắn thôi, có thể là 1-2 tháng tới sẽ chính thức mở thêm chi nhánh tại TP.HCM phục vụ khách hàng thị trường này. Rất mong khách hàng sẽ ủng hộ velasboost!
Dự định của anh cũng như velaboost trong thời gian sắp tới, ra phụ kiện độc lạ hay một chiếc điện thoại made in VN chẳng hạn?
Chúng tôi vẫn sẽ tập trung vào phụ kiện, bởi chúng tôi hiểu rõ nguồn lực của mình, sẽ liên tục cải tiến và ra mắt sản phẩm mới với mức giá cạnh tranh hơn.
Điện thoại made in VN cũng là ý hay, nhưng về thực tế nó là thị trường khốc liệt và khó khăn. Chúng tôi hoàn toàn chưa có ý tưởng gì về việc này, nhưng mơ ước thì có và biết đâu có một cơ hội nào đó trong tương lai mình sẽ làm được.
Cảm ơn anh đã có buổi trò chuyện thú vị này!