ĐỜI SỐNG / Xã Hội

Sĩ tử ôn thi lớp 10 nước rút, cô giáo "cấm" phụ huynh bắt con làm việc nhà

Nam sinh đang ôn thi vào lớp 10 tuyên bố sẽ tạm thời không gấp chăn màn, không dọn phòng vì: "Cô giáo bảo ai bị bố mẹ bắt làm việc nhà thì mách cô để cô xử lý".

Sĩ tử ôn thi lớp 10 nước rút, cô giáo "cấm" phụ huynh bắt con làm việc nhà
Bật điều hòa, bật tivi chứ không được phép... "bật" con
Chị T.T.A (Thanh Xuân, Hà Nội) có con trai SN 2008, đang trong giai đoạn nước rút để thi vào lớp 10. Một tháng nay, chị T.T.A và chồng luôn về nhà trước 6 giờ chiều. Công việc bận rộn, hai anh chị vẫn cố gắng thu xếp để cùng đón con từ lớp học thêm, đưa con đi ăn những món con thích.
Thế nhưng con chị không còn thích thú với việc đi ăn hàng như trước đây mà chỉ muốn về nhà.
Tâm tính con thay đổi khiến vợ chồng chị A. lo lắng. 
Để giúp con tập trung ôn thi giai đoạn nước rút, chị A. làm hết việc nhà vốn thuộc nhiệm vụ của con như rửa bát, giặt quần áo, tưới cây, quét nhà. Sĩ tử nhà chị chỉ có trách nhiệm dọn dẹp phòng ngủ của mình.
Nhưng mới đây, con chị A. tuyên bố sẽ tạm thời không gấp chăn màn, không dọn phòng vì: "Cô giáo bảo ai bị bố mẹ bắt làm việc nhà thì mách cô để cô xử lý".
Cuối tuần, con rủ bạn về nhà chơi game đến 12 giờ khuya, chị A cũng vui vẻ để con được giải trí.
"Nói thực thì trong lòng mình không vui lắm khi con có phần ỉ lại. Nhưng hai vợ chồng bảo nhau "Xin đừng động vào cây mùa lá rụng"", chị A. tâm sự.
Bước vào giai đoạn "cân não" trước kỳ thi lớp 10 của Hà Nội, trên các diễn đàn, phụ huynh của các sĩ tử SN 2008 chia sẻ bí quyết "nhịn con", động viên nhau vượt qua "giai đoạn khó khăn".
Sĩ tử ôn thi lớp 10 nước rút, cô giáo cấm phụ huynh bắt con làm việc nhà
Giai đoạn ôn thi nước rút là giai đoạn căng thẳng với cả học sinh và phụ huynh (Ảnh minh họa: M.H)
Dưới đây là những dòng chia sẻ vừa hài hước vừa chân thật trên mạng xã hội thể hiện tâm trạng của các phụ huynh trước "giờ G".
"Để con chịu ăn dưa hấu, mình ngồi nhặt từng hạt dưa ra. Chồng mình bảo may mà nó không đòi... nhặt hạt thanh long".
"Mình dặn vợ lên công ty có thể bật máy tính, về nhà thì bật điều hòa, bật quạt cho mát, bật máy giặt, bật nồi cơm điện, bật tivi cho con xem bóng đá. Bật gì thì bật nhưng không được phép... "bật" con".
"Lần đầu tiên mình thấy nóc nhà mình là ai đó khác chứ không phải vợ mình. Tuy những đắng cay không thay đổi nhưng cứ thắng được mẹ con là bố mừng con ạ".
"Cả gia đình bật chế độ đi nhẹ nói khẽ cười duyên. Còn mình thì bật chế độ câm, điếc luôn cho yên tâm".
"Hai vợ chồng động viên nhau "niệm chú" nhịn, nhịn, nhịn. Nhịn nhiều quá cả hai gầy rộc đi. Giảm cân mà không cần ăn kiêng các bố mẹ ạ".
"Cho anh ta làm vương làm tướng thêm hai tuần nữa. Hẹn sau ngày 11/6 sẽ giành lại chính quyền về tay nhân dân".
"Đã cố được 9 tháng rồi, cố thêm hai tuần nữa sẽ được trở về sống thật với chính mình".
Cha mẹ chăm sóc con quá kỹ cũng là một dạng áp lực
Cô Nguyễn Thị Đông - nguyên giáo viên trường THCS&THPT Lê Quý Đôn - chia sẻ với tâm lý lo lắng của cha mẹ trước ngày sĩ tử vượt ải. Tuy nhiên, cô Đông cho rằng cha mẹ nên "bình thường thôi".
"Cha mẹ muốn con được thoải mái thật sự thì cha mẹ cũng phải thoải mái. Bọn trẻ tinh ý và nhạy cảm. Chúng biết những sự chăm sóc quá kỹ luôn đi kèm với kỳ vọng lớn. Bọn trẻ sẽ suy nghĩ, bị áp lực và lo lắng nếu như không đạt kết quả như mong muốn", cô Đông đưa ra lời khuyên.
Giai đoạn nước rút, cô Đông khuyên cha mẹ nên quan tâm, động viên con và chăm sóc con như vẫn quan tâm, động viên, chăm sóc con trong nhiều năm qua. Nếu con cần nghỉ ngơi thì tạo điều kiện cho con nghỉ ngơi thêm. 
Giai đoạn này cha mẹ cũng không nên nhắc nhở hay gây áp lực với con về việc học. Những kiến thức, kỹ năng cần thiết chuẩn bị cho kỳ thi, thầy cô đều đã trang bị cho các con.  
"Điều quan trọng nhất là cha mẹ nên thoải mái đón nhận mọi kết quả. Không có duy nhất một con đường cho việc học và thành công. Đứa trẻ chỉ cảm thấy yên tâm về tâm lý khi nó biết với bất kỳ kết quả nào, bố mẹ cũng vẫn yêu thương, dang rộng vòng tay chào đón", cô Đông chia sẻ.
Năm nay, toàn Hà Nội có gần 105.000 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10, trong đó có 11.200 thí sinh dự thi các trường THPT chuyên và hệ chuyên. Chỉ tiêu tuyển sinh theo công bố của Sở GD&ĐT xấp xỉ 72.000 học sinh, tương đương 68,57%. 
4 trường THPT chuyên thuộc Bộ GD&ĐT gồm Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ và Trường THPT Chuyên Sư phạm tuyển sinh tổng cộng khoảng 1300 chỉ tiêu.
Như vậy, sẽ có khoảng 31.700 học sinh sẽ phải học các trường ngoài công lập, trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên…
Kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 10-11/6 với ba môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Trong đó hai môn toán, văn nhân hệ số 2. Đây là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội bỏ thi môn thứ 4 nhằm giảm áp lực thi cử cho học sinh.

ĐỜI SỐNG / Xã Hội

Học sinh Hà Nội tiếp sức các sĩ tử trong kỳ thi vào lớp 10

WITH Project đã tổ chức thành công AFTERGLOW - sự kiện đầu tiên của mùa hoạt động thứ 5 - với bốn hoạt động chính bao gồm: Hoạt động Tư vấn, Triển lãm Tương tác, WITHSchool Game và Hoạt động Thủ công: Làm đồ DIY mở rộng.

51 tác phẩm quy tụ tại triển lãm "Sáng đạo trong đời"

Triển lãm "Sáng đạo trong đời" quy tụ 51 tác phẩm độc đáo của 12 nghệ sĩ tài hoa trong lĩnh vực hội họa, mở ra một không gian nghệ thuật lan toả truyền thống văn hóa và ý nghĩa của Phật giáo.

Xúc động trước tấm lòng học sinh ở Cần Thơ: Đập heo đất, chung tay quyên góp giúp các bạn vùng lũ

Nhóm học sinh ở Cần Thơ đập heo đất, góp 290 phần quà gửi đến bạn học sinh khó khăn tại các vùng chịu ảnh hưởng của bão lũ.

Lễ hội Sống khỏe 2024 tại TP.HCM kỳ vọng đón 10.000 khách dịp 30/4 - 1/5

Lễ hội Sống khỏe năm 2024 được thiết kế theo mô hình “Lễ hội văn hóa”, tích hợp đa yếu tố “5 trong 1”, sở hữu nhiều hoạt động trong khuôn khổ các lĩnh vực: Y tế, văn hóa, thể thao, du lịch và giải trí.

Người đàn ông và con 3 tháng tuổi chết tư thế treo cổ

Khi người vợ đi chợ về nhà thì thấy chồng cùng con gái 3 tháng tuổi chết trong tư thế treo cổ.