Sau quan điểm "không nên để nhạc chế tràn lan trên MXH", mới đây nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tiếp tục lên tiếng xoay quanh câu chuyện này. Anh khẳng định rằng mình không hề nhắm đến những người hát nhạc chế hay những người làm nhạc chế. Song anh vẫn lấy ví dụ một ca khúc cụ thể để khán giả hình dung rõ về những bất cập của vấn đề này.
Mở đầu vấn đề, anh khẳng định âm nhạc pha trộn tính giải trí là điều thú vị và ai cũng yêu thích những sáng tác vui vẻ sau khi đã quá căng thẳng với cuộc sống hằng ngày. Nhạc chế mang đến cho người ta tiếng cười và sự vui vẻ trong cuộc sống. Chẳng phải tự nhiên mà thập kỷ trước, khi truyền hình và băng đĩa bắt đầu phổ biến ở Việt Nam, không khó để bắt gặp những tác phẩm nhạc chế lồng ghép trong loạt tiểu phẩm hài của Xuân Hinh, Xuân Bắc, Hoài Linh... và thực tế mang lại tiếng cười hiệu quả cho khán giả.
Nguyễn Văn Chung còn khuyến khích việc chế nhạc "có tác dụng" như: "Có 1 thầy giáo trẻ cũng chế khá nhiều bài nhạc được viral nhằm mục đích giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách hào hứng vui vẻ hơn nhớ bài hơn." Đó là điều đáng quý và mang lại lợi ích cụ thể cho khán giả, người nghe, người hát.
"Tuy nhiên, sự hài hước và sự nhố nhăng phản cảm là hoàn toàn khác nhau. Phải có 1 chuẩn mực cho việc đó, đó là ý thức và văn hoá cần có đối với 1 người nghệ sĩ. Việc ca hát vui chơi hội nhóm không thành vấn đề, nhưng để xuất hiện hẳn trên truyền hình và lan tràn trên các nền tảng là điều không nên đối với 1 nghệ sĩ có lượng fan đông đảo và có sức ảnh hưởng. Hơn nữa, mỗi quốc gia đều có 1 sự tự hào về văn hoá riêng, như Nhật luôn tự hào về văn hoá Anime của họ, tương tự Việt Nam chúng ta cũng tự hào về văn hoá dân tộc mình", nam nhạc sĩ rạch ròi về tính chất của nhạc chế. Theo anh người nghệ sĩ phải mang đến giá trị và phải luôn khắc cốt ghi tâm rằng sản phẩm mình làm ra thì phải có ý thức và trách nghiệm với nó. Nên cần suy nghĩ kỹ về tác động của sản phẩm với cộng đồng.
Nhạc sĩ sáng tác Hình bóng của mây còn lấy ví dụ xác thực về việc nhạc chế có thể gây biến tướng văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân tộc. Điều đó thực sự sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh văn hóa của một quốc gia nếu lọt vào tai người nước ngoài.
"Thử tưởng tượng lớp trẻ Nhật cũng chế 1 bài hát về bộ truyện tuổi thơ Thần đồng đất Việt: "Trạng Tí lấy Dần Béo rồi đẻ ra Hợi", hoặc trong truyện Tấm Cám: "Tấm lấy Cám đẻ ra Gạo Lứt", rồi lý do là "chế ra hát cho vui thôi chứ có ảnh hưởng đến ai đâu" thì các bạn sẽ cảm thấy như thế nào?". Chỉ một ví dụ nhẹ nhàng nhưng rất đáng suy ngẫm, có thể nói với dẫn chứng trên, Nguyễn Văn Chung đang chia sẻ nhận định bản thân khi nhìn vào ca khúc chế của Lê Dương Bảo Lâm về bộ truyện quốc tế Doraemon thời gian qua.