Mạng xã hội nói chung hay TikTok nói riêng ngày một thịnh hành, chưa từng có thời đại nào con người lại dễ bày tỏ quan điểm, suy nghĩ cá nhân, góc nhìn cá nhân mà lại dễ dàng như vậy. Hơn nữa những người có suy nghĩ độc đáo, khác biệt dễ dàng giành được chú ý từ mọi người, thậm chí kiếm tiền dễ dàng từ đó. Nhưng một khi đã dính đến tiền tài, vật chất và danh vọng, những thứ gắn với nhu cầu cá nhân thì con người dễ dàng mất lí trí mà lao đầu vào lợi ích, bỏ quên giá trị sống đích thực.
Cụ thể có thể kể đến việc ngày nay nhiều người theo đuổi "content bẩn" để nổi tiếng khiến cộng đồng phẫn nộ. Giá trị họ mang lại cho cá nhân mình hay ekip có thể cao thông qua lượt follow, lời mời hợp tác, tuy nhiên đánh đổi rõ rệt là sự đi xuống của chất lượng nội dung trên nền tảng. Nghiêm trọng nhất là mang đến năng lượng tiêu cực, sự bực dọc, phẫn nộ cho người khác.
Trường hợp gần nhất có thể lấy làm dẫn chứng là TikToker Nờ Ô Nô với clip "chào bà già nghèo khổ". Làm việc thiện từ tâm là tốt, và nên vậy, tuy nhiên không phải làm từ thiện mà được quyền dùng lời lẽ không phù hợp, không đoan chính với người khác, hơn nữa là người cao tuổi. Trong mắt người làm ra sản phẩm, họ có chính kiến và với họ những gì họ làm là đúng, là "đủ nhiệt" để gây chú ý, nâng tầm tên tuổi. Nhưng qua góc nhìn khán giả là một sự hỗn láo, cợt nhả với người lớn tuổi, điều mà vi phạm vào những tiêu chuẩn đạo đức đầu tiên của người Việt: sự lễ phép, kính trên nhường dưới.
Nờ Ô Nô chỉ là cái tên tiêu biểu có thể nhắc đến ngay lúc này, không có nghĩa trước đó chưa từng có những content "giật gân" để câu view. Đã rất nhiều lần, những content độc hại liên tục bị điểm danh như về sex joke, body shaming, hướng dẫn gian lận,... Bị dập "tơi tả" và lặn mất, nhưng sau đó lại có người tái phạm, phải chăng là những phản ứng từ cộng đồng chưa đủ mạnh?
Một nền tảng đi lên đồng nghĩa người có sức ảnh hưởng tại nền tảng đó trở nên có tiếng nói hơn. Từ Facebook cho đến Instagram, cho tới những năm gần đây là TikTok cũng không ngoại lệ. Hot TikToker thậm chí có ảnh hưởng đến giới trẻ còn mạnh mẽ và trực tiếp hơn các MXH đời đầu. Giữa môi trường có tính lan tỏa như vậy, nếu những nội dung tiêu cực không bị chặn sẽ là hiểm họa cho tâm trí và nhận thức của cả một thế hệ phía sau - những bạn trẻ còn chưa có chính kiến và dễ bị chi phối.
Đích đến ban đầu của các nhà phát hành những nền tảng MXH luôn tốt, mục tiêu là biến những nền tảng đó thành diễn đàn miễn phí cho người dùng có nơi giải trí, truyền đạt và tiếp nhận thông tin, mở mang trí tuệ, giao lưu văn hóa, truyền thụ giáo dục. Ở vào thời kỳ mà mỗi người dùng là một content creator, chính cách chúng ta tạo ra content định hình nên suy nghĩ và nhận thức của chúng ta.
TikTok từng có thời điểm được coi là "đồ chơi của trẻ trâu", "nồi cháo heo"; phải bằng nỗ lực của những nghệ sĩ, người nổi tiếng, người sáng tạo nội dung tốt mà nền tảng này mới có chỗ đứng thịnh hành như ngày hôm nay. Tuy nhiên thời thế thay đổi, có trào lưu thì cũng có thoái trào nhưng ít nhất đừng khiến nền tảng này thoái trào theo con đường ô tạp bởi những nội dung "lôm côm", "content bẩn".
Bản thân người trưởng thành tùy vào đặc thù công việc có thể biết hoặc không biết đến TikTok nhưng con em họ đang dùng MXH này mỗi ngày. Vì vậy "bài trừ có khoa học những nội dung xấu" là cần thiết để truyền tải suy nghĩ xem có chọn lọc đến hậu bối.
Không cần nặng nề như cấm đoán, trách mắng, chê bai những nội dung này quá phũ phàng. Một chút khéo léo nắm bắt tâm lý thế hệ trẻ, trao đổi sòng phẳng với nhau trên tinh thần "chia sẻ - ghi nhận" là cách tốt nhất để đi sâu vào tâm trí một ai đó. Nếu cứ cố gắng rao giảng với thái độ bề trên, áp đặt tinh thần thì chính là kích thích sự hiếu chiến trong con trẻ, nhất là tại một xã hội đề cao cái tôi cá nhân. Và cái kết rõ ràng không tốt đẹp: điều muốn truyền thụ thì không đọng lại, thứ cần bác bỏ thì được học tập.
Tóm lại, người dùng chính là người quyết định MXH mang đến cho mình những gì. Đối diện những người làm nội dung tâm huyết, nhiệt thành thì những lượt theo dõi, những lượt like sẽ là động lực thúc đẩy phát triển. Những content thiếu lành mạnh thì xứng đáng bị báo cáo, bỏ qua, thậm chí lên án quyết liệt để bài trừ. Đây không phải vấn đề cá nhân mà là vấn đề phải chung tay mới giải quyết được. Loại bỏ những nội dung tiêu cực cũng là cách để lan tỏa năng lượng tốt đẹp đến người khác và bảo vệ chính mình.
Đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) xác nhận với VietNamNet, ngày 24/7 tới, các cơ quan chức năng sẽ làm việc để quyết định việc dừng hay tiếp tục concert BlackPink tại Việt Nam.
Một nữ TikToker nổi tiếng người Mỹ đã gây ra nhiều tranh cãi trên cộng đồng mạng, khi đăng tải một đoạn video cho biết cô đã khởi kiện cha mẹ của mình vì… tự ý sinh ra cô.