Sống chung với đại dịch: "Nhà em ba đời bán cá, Covid-19 vẫn bỏ mối tại nhà!"
Theo dõi MoliStar.com trên
“Do chợ đóng cửa, em vẫn bỏ mối tại nhà hoặc giao hàng. Điện thoại… Tỏi + ớt”, phía dưới tấm biển viết tay còn vẽ hình trái ớt, củ tỏi. 'Sống chung với dịch', chị Hằng phải sáng tạo ra cách này để bán được hàng.
Người Sài Gòn sống chung với dịch, ngại gì... bán mang về?
Nhiều tiểu thương ở chợ truyền thống trên toàn quốc gấp rút suy nghĩ cách để đối phó dịch lâu dài khiến người trẻ cũng phải nể phục.
14 năm kiếm sống ở chợ, chị Nguyễn Thị Ngọc Hằng, 33 tuổi bán tỏi, ớt, gia vị ở chợ Nhị Thiên Đường, P.5, Q.8, TP.HCM từ lúc chưa kết hôn, tới bây giờ chị đã có chồng và các con đề huề. Chưa năm nào chị Hằng thấy sự ảnh hưởng của dịch bệnh nặng nề tới cộng đồng như năm nay. Chợ Nhị Thiên Đường, một trong những chợ truyền thống lớn nhất của Q.8, TP.HCM phải đóng cửa để phòng chống dịch từ ngày 22.6. Để xoay sở buôn bán, "sống chung với dịch", vợ chồng chị Hằng nghĩ ra cách treo biển ghi thông tin, số điện thoại của mình, ai gọi tới thì giao tận nhà.
“Chồng tui viết giùm cái bảng đó cho tui đó. Ổng vẽ cả hình củ tỏi, trái ớt. Ai gọi tới là tui giao hàng tận nhà à. Mình làm như thế này để giữ mối là chính. Bán không thể nhiều bằng việc mình bán trực tiếp ở chợ được. Nhưng dù ít thì cũng còn hơn là không bán được gì, không có thu nhập”, chị Hằng kể với phóng viên sáng nay, 27.6.
Chị Hằng là một trong số hàng trăm tiểu thương chợ Nhị Thiên Đường có những cách xoay sở để "sống chung với dịch" khi chợ truyền thống rất lớn này phải đóng cửa. Cách phổ biến là dán thông báo phía ngoài cửa sạp của mình, thông tin về mặt hàng và số điện thoại giao hàng trực tiếp. Các mặt hàng của chợ phục vụ tận nhà rất đa dạng, từ gạo, thịt bò, bò viên, thịt heo, rau củ quả, ớt chanh, cho tới bún, mì, bịch xốp...
Năng động theo kiểu rất dễ thương là cách các tiểu thương Sài Gòn "sống chung với dịch". Đó là cảm nhận của nhiều người trẻ khi đọc được những tấm biển mộc mạc viết tay của các cô bác ngồi mưu sinh ở chợ.
“Gạo tạm đóng cửa, đặt gạo gọi số…”; “thịt gà, cá thác lác bán tận nhà, giao tận nơi, gọi số…”, "bán thịt heo tận nhà"... không khó để quan sát thấy rất nhiều những tờ giấy thông báo như thế này.
Trước sạp bán bịch ni lông, hộp xốp, ngoài việc ghi số điện thoại, chủ sạp còn có hình thức bán kiểu khác để hạn chế giao dịch trực tiếp và không tập trung đông người. Đó là mua gì cứ viết giấy để đó, sau quay lại lấy. Ông chủ sạp nắn nót viết trên tờ thông báo: “Quý khách mua hàng vui lòng ghi giấy rồi quay lại lấy sau. Liên hệ số điện thoại…”.
Hay sạp bán thủy hải sản, chủ quán tên Bình còn rất tận tâm viết thông báo rất dài: “Chợ Nhị Thiên Đường đóng cửa, Bình vẫn bán tại nhà. Thủy hải sản các loại. Cá hú. Cá diêu hồng, tôm mực và các loại cá biển. Giao hàng tận nhà. Số điện thoại…”.
Cô bán cà pháo cũng nắn nót viết bằng bút mực "Cải chua, cà pháo, cá hấp, các loại mắm. Số điện thoại... Giao hàng tận nơi. Xin cảm ơn".
Ngày hôm nay, 27.6 là chủ nhật, nhu cầu người dân đi chợ đông hơn mọi ngày. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm được thông tin chợ Nhị Thiên Đường đóng cửa, một số người quay đầu xe ra về. Nhưng cũng có nhiều người trẻ, dừng xe lại cầm điện thoại chụp lại những bảng thông báo của chủ tiệm. Chị Như Thủy, người giơ điện thoại chụp lại một tấm biển "bán hải sản tận nhà" kể: “Tôi quen mua hàng của chị này, nên lưu số chị lại sau mua sẽ gọi. Tiện cho mình, cũng tạo điều kiện cho người ta bán được hàng mùa dịch”.
Trong khi đó, chợ Hưng Phú, P.9, Q.8 cũng chính thức đóng cửa từ hôm nay, 27.6. Nhưng từ trước đó tiệm rau của bà Bảy và con gái - tiệm rau đông khách nhất tại đây- đã nhanh chóng sáng tạo ra tấm biển từ bìa các tông ghi rõ số điện thoại của mình.
Nói về "sáng kiến" này, cô chủ niềm nở: “Trước thì tấm biển có ghi “Vui lòng cách xa 2 mét” để nhắc nhở mọi người tới mua rau. Còn giờ tôi ghi số điện thoại của mình vào, ai tới mua là lưu lại số. Lúc chợ đóng cửa thì cứ đặt hàng, rồi tới nhà tôi mà lấy. Nhà tôi cách chợ này có vài bước chân. Tốt nhất là tối hôm trước muốn ăn rau gì, củ gì, cứ gọi trước đặt hàng. Tôi mua cho hết”.
Xôn xao mua bán như chợ tết
Chợ Rạch Ông, P.2, Q.8, TP.HCM sáng nay, 27.6 tấp nập, hối hả như chợ ngày tết. Việc dừng hết chợ tạm, đồng thời một số chợ truyền thống lớn phải đóng cửa khiến chợ này càng đông hơn.
Ban quản lý chợ đã ngăn bớt các lối vào, cho nghỉ nhiều sạp hàng, không cho xe máy chạy vào chợ, buộc người dân chỉ có một lối chính đi bộ vào chợ, do đó không khí mua bán tại chợ hối hả như những ngày cuối năm.
Nhu cầu mua sắm nhiều, số tiểu thương kinh doanh ít đi nên nhiều mặt hàng không còn để mua. Nhiều sạp bán thịt, cá hết sạch hàng chỉ trong buổi sáng. Chị Thủy, 32 tuổi, bán các loại rau củ quả nói: “Tui muốn nhập hàng thêm về bán mà không có để nhập. Nhiều người than sao nay rau củ mắc (đắt) quá vậy, nhưng tình hình chung mà, tui cũng đâu muốn”.
"Sống chung với dịch", để việc mua bán an toàn, các tiểu thương chợ này đã căng dây ni lông vòng quanh sạp hàng của mình, người mua đứng ngoài dây, để đảm bảo giãn cách 2 mét…
Vĩnh Thích Ăn Ngon tranh giải LifeStyle Content Creator Of The Year tại TikTok Awards Việt Nam 2024 cùng Đình Phát Make Up, Hoàng Minh Ngọc, EmLy Review, Lê Pa Da và Sammy.
"Miss Cosmo 2024" với sự góp mặt của các người đẹp đến từ hơn 70 quốc gia và đồng hành cùng cuộc thi trong vai trò healthcare director là bác sĩ Bích Na.