Giáo sư Sarah Gilbert, một trong số các nhà khoa học của Đại học Oxford phát triển thành công vắc xin Covid-19 AstraZeneca, cho rằng chiến dịch tiêm liều vắc xin tăng cường cho toàn dân là không cần thiết vì tính miễn dịch sau khi tiêm đủ liều vẫn còn "duy trì lâu dài".
Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Telegraph ngày 9.9, bà Gilbert cho rằng mũi tiêm tăng cường này chỉ nên dành cho những người lớn tuổi hoặc người có hệ miễn dịch yếu.
Bà Gilbert gợi ý nên chuyển vắc xin còn dư cho các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp. “Chúng ta phải làm tốt hơn về mặt này. Liều đầu tiên có tác động lớn nhất”, bà Gilbert nói.
Cơ quan Quản lý các sản phẩm y tế và chăm sóc sức khỏe Anh (MHRA) đã thông báo rằng vắc xin Pfizer và AstraZeneca an toàn để được sử dụng làm liều tiêm tăng cường.
Tổng thống Biden ra quy định bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19 mới với các công ty lớn
Tuy nhiên, Ủy ban chung về tiêm chủng và miễn dịch (JCVI) vẫn chưa đưa ra khuyến cáo. Sau khi được JCVI “bật đèn xanh”, chính phủ Anh sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên triển khai tiêm liều tăng cường hay không.
Thành viên JCVI, ông Adam Finn hôm 9.9 nói rằng chưa rõ mức độ miễn dịch có giảm dần đối với các trường hợp bệnh nặng hay không và liệu việc triển khai chương trình tiêm liều tăng cường không đúng lúc có gây thêm vấn đề gì không. “Bạn có thể lâm vào tình cảnh mà bạn đang tiêm cho rất nhiều người khi họ không thật sự cần được tiêm”, ông Finn nói.
Bộ trưởng Văn hóa Anh Oliver Dowden cho biết chính quyền đã sẵn sàng triển khai chương trình tiêm liều tăng cường và chỉ còn chờ khuyến cáo của JCVI. Về bình luận của giáo sư Gilbert, ông Dowden nói: “Có nhiều ý kiến trong số các nhà khoa học. Đó là lý do chúng tôi có JCVI để đưa ra cho chúng tôi những lời khuyên và chúng tôi sẽ làm theo lời khuyên đó. Đối với các nước khác, chúng tôi cam kết cung cấp 100 triệu liều vắc xin đến năm 2022. Chúng tôi đã cung cấp 9 triệu liều”, ông Dowden nói.