Đà Lạt: Nhiều hàng quán, khách sạn ngại đón du khách vì sợ phải đi cách ly
Theo dõi MoliStar.com trên
Sau gần 1 tháng Lâm Đồng mở cửa, số ca nhiễm Covid-19 gia tăng; nhiều hàng quán, khách sạn ở Đà Lạt ngại đón du khách vì sợ trở thành F0, F1 phải đi cách ly. Người dân cho rằng cách làm của Đà Lạt cứng nhắc...
Dọc các đường phố Đà Lạt xuất hiện các bảng như “Không bán cho khách du lịch - xin thông cảm”, “Do tình hình dịch phức tạp quán hạn chế đón khách ngoài tỉnh - Xin lỗi vì sự bất tiện này”, hoặc “Quán từ chối đón khách đến từ SG - mong thông cảm”…
Một chủ quán thổ lộ, rất phấn khởi khi được mở quán để kinh doanh sau thời gian tạm ngưng để phòng chống dịch Covid-19, nhưng chẳng may có du khách từ nơi khác đến vào quán nhiễm Covid-19 thì cả nhà “liên lụy” trở thành F1, F2 phải đi cách ly tập trung rất phiền phức.
Thực tế, suốt trong 2 tuần qua có những du khách đến thuê khách sạn, homestay để lưu trú. Sau đó ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm, du khách nhiễm Covid-19 phải đưa đến bệnh viện điều trị, còn chủ khách sạn và nhân viên phục vụ phải đi cách ly tập trung; khách sạn bị giăng dây, treo bảng cảnh báo!
Chị N.T.T (P.3, Đà Lạt) chia sẻ: “Sau khi có du khách ghé quán cà phê của gia đình được phát hiện nhiễm Covid-19, nên quán bị giăng dây đóng cửa 14 ngày. Qua truy vết 1 ông bảo vệ, 2 nhân viên phục vụ phải đi cách ly tập trung có thu phí. Còn thu ngân, pha chế, quản lý phải cách ly tại nhà”.
Chị T. cho biết thêm, vào khu cách ly tập trung rất sợ lây nhiễm chéo vì quá đông, nên gia đình đăng ký cách ly ở khu điều dưỡng người có công. Thời gian cách ly tập trung 14 ngày, 3 người hết 15 triệu đồng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khi số ca nhiễm mới liên tục tăng, nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê trên địa bàn TP.Đà Lạt chủ động không đón khách, chỉ bán mang về, giao hàng tận nơi vì sợ F0 vào quán! Nhiều chủ khách sạn vẫn chưa sẵn sàng đón khách.
Nỗi niềm du khách
Có du khách khi đọc tấm bảng trên buồn bã nói: “Tôi thấy rất buồn, rất chạnh lòng. Giờ ai cũng sẵn sàng tư tưởng sống chung với dịch, cùng một nước ai cũng yêu thương nhau nhưng họ phân biệt người đến từ SG. Nhưng nghĩ cũng không trách được vì họ phải lo cho sức khỏe gia đình”.
Còn ông N.Đ.L từ TP.HCM đến Đà Lạt du lịch chia sẻ, trước khi đến khách sạn nhận phòng, tôi và những người đi cùng (người ngoài tỉnh) đều phải đến cơ sở y tế tại P.1, TP.Đà Lạt để khai báo, nhưng thực chất là xét nghiệm Covid-19.
Khi ông L. trình giấy xét nghiệm âm tính để lên máy bay (buổi sáng) và “thẻ xanh” (tiêm 2 mũi vắc xin), nhưng ông vẫn bị buộc phải xét nghiệm lại. Còn nhân viên y tế nhỏ nhẹ mong thông cảm theo quy định người ngoài tỉnh đến đều phải xét nghiệm lại, vì thực tế có không ít du khách có giấy xét nghiệm âm tính nhưng khi lấy mẫu xét nghiệm lại dương tính Covid-19. “Biết thân, biết phận, tôi không muốn gặp gỡ bạn bè ở Đà Lạt, thủ thân cho chắc”, ông N.Đ.L nói.
Thực tế, trong vài tuần qua, trong các thông báo khẩn “truy vết” của Sở Y tế Lâm Đồng liên tục tìm người đến các cơ sở lưu trú, điểm du lịch chụp hình check-in trên địa bàn TP.Đà Lạt. Theo Sở Y tế Lâm Đồng, TP.Đà Lạt đang là địa phương có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất tỉnh và có nhiều “vùng vàng” nhất (cấp độ 2).
Theo UBND TP.Đà Lạt, từ cuối tháng 10 đến nay địa phương đón hơn 13.000 lượt khách lưu trú. Lượng du khách đến Đà Lạt bắt đầu tăng, tuy nhiên, điều này cũng kéo theo nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 trên địa bàn. Qua truy vết, có nhiều du khách bị nhiễm Covid-19 đến từ các tỉnh, thành là vùng xanh, vùng vàng; trong đó có cả du khách từ TP.HCM, Bình Dương, Ninh Thuận, Khánh Hòa.
Cách làm cứng nhắc, cứ F0 ghé vào là đóng cửa quán, giăng dây!
Hiện nay, tại TP.Đà Lạt hễ khách sạn, hàng quán, ngân hàng, nhà sách… có F0 ghé đến thì cơ quan chức năng yêu cầu đóng cửa 14 ngày để phòng dịch, giăng dây và gắn bảng cảnh báo không đến gần. Còn những người lỡ tiếp xúc với F0 phải đi cách ly tập trung 14 ngày và theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày tiếp theo.
Do đó, hàng quán nào có liên quan đến trường hợp F0 sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của nhiều vị khách, nhân viên và những hộ dân xung quanh.
Nhiều hộ kinh doanh đặt vấn đề việc giăng dây, đóng cửa một địa điểm kinh doanh 14 ngày chỉ vì có F0 ghé vào mua hàng khoảng 5 phút, trong khi các F1 xét nghiệm âm tính với Covid-19 là hơi cứng nhắc. Bởi thực tế việc giăng dây gây hoang mang và khó khăn cho các hộ kinh doanh.
Ông Đ.M.V (P.4, Đà Lạt), cho rằng đối với đơn vị kinh doanh chuyên nghiệp họ luôn bố trí phương án nhân viên dự phòng trước khi quyết định mở cửa trở lại. Việc đóng cửa khử khuẩn phòng dịch chỉ nên thực hiện trong 1 hoặc 2 ngày, không nên đóng cửa tới 14 ngày, việc này gây khó khăn, thua lỗ cho người kinh doanh.
Bà N.T.H (P.7, Đà Lạt) cho rằng Chính phủ ra Nghị quyết 128 để thích ứng với bình thường mới, mà cách làm của TP.Đà Lạt vẫn như cũ, cứ có F0 ghé vào là phong tỏa, giăng dây, thì chẳng lâu nữa hàng quán ở Đà Lạt đóng cửa hết.
Chị N.T.N kiến nghị TP.Đà Lạt nên điều chỉnh cách thức phòng dịch, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh. Yêu cầu các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, điểm du lịch khử khuẩn theo quy định của ngành y tế và cho tiếp tục kinh doanh, tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Các F1, F2 không được phục vụ trong thời gian 14 ngày và phải cam kết tự cách ly tại nhà. TP.Đà Lạt cần thay đổi cách thức thì người dân mới yên tâm kinh doanh, và du khách mới cảm thấy thoải mái khi đến với Đà Lạt.
"Miss Cosmo 2024" với sự góp mặt của các người đẹp đến từ hơn 70 quốc gia và đồng hành cùng cuộc thi trong vai trò healthcare director là bác sĩ Bích Na.