Bác tổ trưởng ở TP.HCM được Thủ tướng truy tặng bằng khen: Bám chốt ngày đêm vì cộng đồng
Theo dõi MoliStar.com trên
Những ký ức tươi đẹp về ông Nguyễn Văn Thức, người vừa được Thủ tướng truy tặng bằng khen vì có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, sống mãi trong trái tim người ở lại.
Tối 4.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định truy tặng Bằng khen cho 18 cá nhân ở TP.HCM đã có nhiều thành tích và đóng góp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Thức, Tổ trưởng dân phố Tổ 85, KP.11, P.17, Q.Gò Vấp, là cá nhân duy nhất của quận này được nhận bằng khen cao quý trên.
“Đêm hôm gì, chúng tôi còn làm là ảnh còn làm”
Có những đêm trực chốt, nhớ vợ, nhớ con, ông nhờ người khác chụp hình mình rồi gửi về cho vợ con
Bà Bùi Thị Như Hoa, Chủ tịch UBND P.17, Q.Gò Vấp, cho biết mình là người đã gắn bó với ông Thức nhiều trong suốt thời gian ông tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương. Vốn là tổ trưởng dân phố, dịch ập tới ông kiêm luôn là thành viên tổ tuyên truyền, tổ công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch. Ông cũng nhiệt tình tham gia trực chốt tại các khu phong tỏa, lái xe chuyển hàng hóa trợ cấp của phường đến tay người dân ở các khu vực bị cách ly, các hộ khó khăn…
“Anh ấy nhiệt tình, xông xáo từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát. Bất kể nắng mưa, đêm hôm gì, hễ chúng tôi còn làm là anh ấy còn làm. Ảnh nhiệt tình tới mức nhiều khi con gái cũng nói: “Ba lúc nào cũng chờ điện thoại của cô Hoa để đi làm nhiệm vụ”, Bà Bùi Thị Như Hoa, Chủ tịch UBND P.17, Q.Gò Vấp nhận xét.
Thêm vào đó, trong suốt quá trình công tác, ông Thức là người gắn bó, tình cảm với các anh chị em trong phường nên ai cũng yêu quý. Vì thế, khi phát hiện ông nhiễm bệnh, mọi người đã hết sức lo lắng cho sức khỏe của ông.
Bà kể bên cạnh gia đình, các cán bộ trong phường cũng gửi thêm đồ đạc, khăn lau, sữa, trái cây… vào viện, mong cho người đồng nghiệp mau khỏi bệnh. Thế nhưng vẫn chưa kịp dùng hết, ông đã ra đi khiến ai cũng xót xa. Không bao lâu sau, vợ ông, bà Nguyễn Thị H. cũng nhiễm bệnh. Sau một thời gian điều trị, bà cũng không qua khỏi.
“Ban đầu, chúng tôi và người thân bên nội không dám thông báo cho con gái anh chị vì sợ cô ấy không chịu nổi. Ngày nào cô cũng trông ba mẹ được về, nhưng không ngờ… Lúc nói chuyện với con gái duy nhất của anh Thức, tôi không kìm được nước mắt”, bà Hoa rưng rưng kể lại.
Sống mãi trong tim mọi người...
Tâm sự với Thanh Niên, chị Nguyễn Thị Thảo (30 tuổi, con gái ông Thức) không giấu được xúc động. Thời điểm liên lạc với chúng tôi, chị vừa về từ Bệnh viện Q.Gò Vấp để lấy quần áo, đồ dùng của mẹ.
Chị kể có những đêm trực chốt, nhớ vợ, nhớ con, ông nhờ người khác chụp hình mình rồi gửi về cho gia đình ngắm. Gửi cho chúng tôi những bức hình ông làm nhiệm vụ ở các chốt kiểm soát, trên những chuyến xe chở nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân, nước mắt chị lăn dài.
“Có trong mơ tôi cũng không nghĩ rằng mình sẽ rơi vào hoàn cảnh này, bây giờ bố mẹ đều đã không còn, tôi thấy mình lẻ loi. Đêm nào, tôi cũng thấy bố mẹ, tôi cũng khóc rưng rức mong sao mọi thứ như một cơn ác mộng”, chị nói.
Mấy tháng trước, thấy ba ngày đêm tham gia công tác chống dịch, đôi khi quên ăn, lo cho sức khỏe của ông mà chị cứ dặn: “Ba phải ăn uống đầy đủ, phải giữ gìn sức khỏe chứ đừng làm quá sức”. Dù rằng, trong lòng chị luôn biết ông lúc nào cũng hết mình với công việc.
“Cả đời ba không dám ăn ngon, mặc đẹp, cả đời cống hiến vì gia đình, vì cộng đồng. Điều đó khiến tôi luôn tự hào về ông. Tấm bằng khen của Thủ tướng không thể nào bù đắp được những mất mát, nhưng cũng là một sự an ủi dành cho tôi. Cũng mong ba tôi được công nhận liệt sĩ, vì lúc còn sống, một tấm giấy khen nho nhỏ thôi, không cần tiền bạc gì đâu cũng làm cho ông vui cả ngày”, chị Thanh Thảo bày tỏ.
Khoảng thời gian tới với chị Thảo là một quãng đường khó khăn, nhưng những ký ức tươi đẹp về ba, về mẹ sẽ tiếp thêm động lực, sức mạnh để chị bước tiếp trên hành trình phía trước. Và, những ký ức về ông Nguyễn Văn Thức sống mãi trong trái tim mọi người...