Hành trình làm mẹ của Lê Phương và nhiều suy ngẫm về quy luật nhân – quả
Thiết nghĩ những yếu tố mang tính chất hù dọa khán giả trong Vong nhi chỉ góp phần làm nền cho câu chuyện về những vấn nạn đau đáu của xã hội đương thời. Cái đọng lại cuối cùng của bộ phim là những thổn thức về câu chuyện tình mẫu tử.
Nếu để ý kỹ, tình mẫu tử chính là sợi dây gắn kết xuyên suốt để làm bật lên thông điệp và câu chuyện về vấn nạn nạo phá thai trong Vong nhi. Trong phim có ít nhất 5 câu chuyện của 5 bà mẹ, mà mỗi câu chuyện trong đó đều mang tính chấm phá, điển hình mà khán giả có thể dễ dàng bắt gặp đâu đó trong cuộc sống hàng ngày.
Bà mẹ từng nghĩ sẽ bỏ con
Trong phim, tại mái ấm Thiên thần nhỏ của bà Thuận (NSƯT Hạnh Thúy) dù chỉ lướt qua khá nhanh nhưng câu chuyện của một bà mẹ trẻ sau khi sinh con quyết định sống nhờ ở đây, đang day dứt giữa chuyện sẽ nuôi hay bỏ con để lại nhiều suy ngẫm cho khán giả. Thậm chí, bà mẹ trẻ ấy đã từng rất quyết tâm sẽ bỏ con lại. Thế nhưng, bà Thuận chỉ động viên và đề nghị bà mẹ trẻ ấy hãy ráng cho con mình bú thêm một tuần để đứa trẻ được cứng cáp. Lời động viên ấy cũng mang theo hy vọng có một sự thay đổi nào đó từ trong tiềm thức về sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Ai đã từng làm mẹ, từng nuôi con có lẽ sẽ rất thấu cảm chi tiết này trong phim, dù rất nhỏ nhưng mang đầy sức nặng.
Bà mẹ lầm lỡ và dại dột
Trailer của Vong nhi từng hé lộ chuyện Thảo (Lê Phương) bị rất nhiều hiện tượng ám ảnh là bởi trong quá khứ chính cô từng dắt em gái đi đến quyết định nạo phá thai. Nhưng cũng chính vì lời khuyên này sau đó Lê Phương bị em gái hờn trách “ước gì lúc đó em không nghe lời chị”. Còn chồng cô, Tùng (Quốc Huy) mắng vợ “việc thất đức vậy em cũng dám làm”.
Nhìn ảnh đau đớn của bà mẹ trẻ với tiếng khóc ngập trong nước mắt vừa được hé lộ trong ca khúc nhạc phim Con chưa kịp nói gây ám ảnh người xem. “Ai nỡ xé tan ra từng ước mơ của con” – lời bài hát của nhạc sĩ Tống Hạo Nhiên cả về nghĩa đen và nghĩa bóng đều lột tả hết được nỗi đau đớn khi phá thai của bà mẹ trẻ.
Bà mẹ trẻ ấy sẽ làm gì để chuộc lại lỗi lầm của bản thân hay cả đời phải sống trong những ám ảnh, dằn vặt vì tự mình đã tước đi giọt máu của mình, câu trả lời sẽ có trong phim.
Bà mẹ khao khát được làm mẹ
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc bệnh nằm ở độ tuổi dưới 30. Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy, mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, tỉ lệ khoảng 7,7%. Câu chuyện của Thảo – Tùng và khao khát có con có lẽ rất nhiều cặp vợ chồng sẽ thấy hình ảnh của mình trong đó.
Nhân vật Thảo trong phim là hình mẫu ao ước của bao nhiêu cô gái bởi cô có người chồng vừa đẹp trai, giỏi giang, hết lòng yêu chiều vợ và tổ ấm là căn biệt thự đáng mơ ước. Vậy nên cô luôn đau đáu một lần được làm mẹ bởi cuộc sống của cô sẽ thật viên mãn, tròn đầy khi trong tổ ấm có tiếng khóc, tiếng bi bô của trẻ nhỏ. Vậy nên, khi bác sĩ báo cô đã mang thai, niềm hạnh phúc của hai vợ chồng ngập tràn.
Hành trình nhân vật trải qua hiển nhiên hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Thông qua nhân vật Thảo, bộ phim gửi gắm rất nhiều thông điệp và ý nghĩa về quy luật nhân – quả dù với một bộ phận khán giả, số phận có phần cay nghiệt và chua xót với cô.
Bà mẹ và câu chuyện nghiệp - báo
Câu chuyện về tình mẫu tử của nhân vật bác sĩ Phương (Nhật Kim Anh) cũng để lại nhiều nước mắt nơi khán giả. Trong phim, cô có đứa con trai mắc bệnh hiểm nghèo đang phải chống chọi từng ngày với bệnh tật.
Thông qua trailer chính thức và OST Con chưa kịp nói có thể thấy nỗi đau bà mẹ này phải trải qua. Nhìn cảnh con trai rớm máu mũi rồi ngất lịm trên giường bệnh hay phân cảnh hai mẹ con đi thả diều trên xe lăn giữa hành lang bệnh viện, con ánh lên nụ cười còn mẹ giàn giụa trong nước mắt mang đến nhiều suy ngẫm.
Đặc biệt, qua diễn xuất của Nhật Kim Anh, khán giả cảm nhận được những nỗi đau mỗi ngày lại thêm âm ỉ, giằng xé tựa như có trăm ngàn mũi kim đang khoét sâu vào da thịt.
Bà mẹ không sinh con, nhưng tình mẹ bao la
Nhân vật bà Thuận của NSƯT Hạnh Thúy chắc chắn là người gieo niềm hy vọng, có thể ví bà như “thiên sứ” trong Vong nhi. Trong phim, NSƯT Hạnh Thúy vào vai người nhặt xác thai nhi bị ruồng bỏ từ các phòng khám và cứu những bà mẹ có thai ngoài ý muốn. Chị cho biết, hình ảnh của nhân vật được lấy cảm hứng từ rất nhiều những câu chuyện có thật trong cuộc sống.
Trong phim, bà Thuận không hề có người con ruột nào. Dù vậy bà vẫn có Hai Bé (Lê Khâm), cậu con trai do mình nhặt nuôi và luôn đồng hành trên hành trình mỗi ngày đi thu lượm xác thai nhi. Từng đứa bé đang được bà nuôi dưỡng hay làm những nấm mồ vô danh dưới tán cây cổ thụ kia chính là những đứa con, dẫu không rứt ruột đẻ ra nhưng khán giả vẫn cảm nhận cái tình và nỗi đau của một người mẹ.
Tung character clip với loạt biểu cảm khó đoán của từng nhân vật, "Linh Miêu - Quỷ nhập tràng" thách đố khán giả tìm xem ai mới là kẻ mang đến tai ương.
"Công tử Bạc Liêu" còn là bức tranh cảm động về tình cha con và ý chí vượt qua rào cản xã hội, khát vọng định hình một tương lai mới giữa bối cảnh giao thoa văn hóa Việt - Pháp đầy biến động.