Ở hầu hết các dự án phim kinh dị do đạo diễn Trần Hữu Tấn thực hiện, anh luôn nhấn mạnh phần hóa trang để tạo ra cảm giác chân thực nhất cho các nhân vật. Qua những thước phim đã hé lộ ở trailer chính thức, khán giả có thể thấy tác phẩm có không ít cảnh máu me và rùng rợn cần đến kỹ thuật hóa trang đặc biệt. Đảm nhận phần này trong dự án là chuyên gia hóa trang Chang Belevia, người đã cộng tác với đạo diễn Trần Hữu Tấn ở hai phim trước đó là Tết ở làng địa ngục và Kẻ ăn hồn đã được đón nhận tích cực bởi phần hóa trang ấn tượng.
Với dự án Cám, thách thức lớn nhất với chuyên gia Chang Belevia là phần tạo hình gương mặt dị dạng của Cám (Lâm Thanh Mỹ), vì phải tạo ra một một nửa mặt méo mó với phần mắt chảy xệ. Những phần thêm vào này phải được giữ đồng bộ ở các cảnh quay, cũng như đủ chắc chắn để nhân vật hoạt động thoải mái trong tất cả các cảnh quay. Để có được tạo hình, chuyên gia nghiên cứu từ những trang mạng và những nhân vật có thật.
Phần hóa trang cũng mang đến thử thách đặc biệt cho Lâm Thanh Mỹ khi phải diễn xuất với một bên mắt thật trong nhiều cảnh quay. Cô chia sẻ: “Khi diễn những cảnh cần phải diễn mắt nhiều, cũng như phải khóc nhiều thì nó sẽ khá là cộm. Và mình cũng không có cách nào khác ngoài việc đụng đụng vô cho nó đỡ cộm, và phải chờ hết ngày quay đó thì mới có thể tháo lớp hóa trang”. Mỗi ngày, cô cũng phải đến trường quay sớm một tiếng so với lịch quay để thực hiện phần hóa trang trên mặt.
Sau tết ở làng địa ngục và Kẻ ăn hồn, bộ đôi đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân tiếp tục thực hiện một tác phẩm mang hơi hướng kinh dị cổ trang. Do đó, phần thiết kế mỹ thuật cũng được chăm chút để khán giả nhanh chóng kết nối với câu chuyện. Bối cảnh quan trọng trong phim là ngôi nhà của gia đình Tấm Cám, nơi xảy ra nhiều tình tiết. Ngôi nhà này gồm có một không gian nhà chính và các khu vực công trình phụ ở phía sau, từ giếng nước cho tới nhà của Cám và các gian nhà phụ.
Phụ trách phần thiết kế là họa sĩ và giám đốc mỹ thuật Bùi Bảo Quốc. Một tháng trước khi toàn ê-kíp bắt đầu ghi hình, anh và đội ngũ thiết kế đã di chuyển ra địa điểm quay ở làng cổ Phước Tích (Huế) để bắt đầu công việc. Việc chia ngăn phòng, chế tạo và sắp đặt các vật dụng, đồ gốm trong nhà theo phong cách và thiết kế xưa đều được tính toán để tạo ra một không gian thuần Việt và phù hợp với địa vị trưởng làng của cha Tấm Cám.
Một điều thú vị trong phần thiết kế là cái giếng, nơi có cảnh gọi cá bống ăn quen thuộc trong truyện Tấm Cám, là được dựng lên chứ không phải giếng thật. Nhà sản xuất Hoàng Quân cho biết ngôi nhà được chọn làm bối cảnh không có sẵn một cái giếng phù hợp để ghi hình, thế nên ê-kíp chọn phương án đào hố xây giếng, cũng như trồng rêu và những cây thân thảo vào để tạo vẻ cổ xưa, thêm dấu án thời gian rêu phong cho giếng.
Set quay đặc biệt thứ 2 của phim nằm ở khu rừng thuộc Quảng Trị, nơi ghi hình cảnh hiến tế. Bên cạnh những khung cảnh phù hợp với không khí rùng rợn của phim, như đã chia sẻ ở tập BTS về bối cảnh, ê-kíp còn làm tăng thêm độ kinh dị nhờ vào phần thiết kế. NSƯT Ngọc Hiệp kể lại trải nghiệm khi ghi hình ở bối cảnh này: “Giữa một cái đầm lầy mênh mông, không có gì hết, cây cối cũng khô cằn, các bạn đã dựng lên một cái bục ở đó trong cái đầm lầy nước. Nước gần như tràn lên bục và xung quanh là những bộ xương khô, đầu lâu đạo cụ, ở trên lại giăng dây giống như mạng nhện vậy. Nó khiến cho tôi có trải nghiệm rùng rợn như tưởng tượng trong kịch bản”.
Nếu như khu rừng hiến tế tạo cảm giác ớn lạnh, thì phân cảnh hội làng lại mang đến không khí vui vẻ và đông đúc người dân. Cảnh quay này được ghi hình ở đình làng Hà Trung (Quảng Trị). Set quay hội làng bao gồm nhiều khu vực, có hàng quán, gian hàng rồi những khu vực liên quan tới các trò chơi dân gian, như là cờ người, đánh đu, thổi lửa, đấu vật. Ê-kíp phim muốn tái hiện lại những hoạt động hội hè sôi nổi của người dân làng, qua đó tạo ra không gian để diễn xuất cho một số diễn viên phụ.
Tung character clip với loạt biểu cảm khó đoán của từng nhân vật, "Linh Miêu - Quỷ nhập tràng" thách đố khán giả tìm xem ai mới là kẻ mang đến tai ương.
"Công tử Bạc Liêu" còn là bức tranh cảm động về tình cha con và ý chí vượt qua rào cản xã hội, khát vọng định hình một tương lai mới giữa bối cảnh giao thoa văn hóa Việt - Pháp đầy biến động.