Mình thiếu may mắn vì “bị” xem phim
Trịnh Công Sơn trước. Đến lúc này, sau khi đã đi xem
Em và Trịnh, mình tiếc cách phát hành của nhà sản xuất vì chỉ cần
Em và Trịnh là đủ rồi. Bản phim
Trịnh Công Sơn, nếu cần, chỉ nên là bản đính kèm cho những ai đã xem
Em và Trịnh và muốn nghe lại các bài hát mà không phải xem lại toàn bộ phim và đừng nhấn mạnh cách phát hành này là “chấn động”, vì sự so sánh qua lại khiến cả 2 phim mất đi tính độc nhất vô nhị, trong khi nội dung trùng lặp quá nhiều.
Nhưng mặt khác, mình cũng may mắn khi xem
Trịnh Công Sơn trước, vì nhờ đã trút mọi phán xét lên phim này, mình bước vào rạp xem
Em và Trịnh với tâm thế không phán xét và nhờ đó thấy thấm hơn hẳn. Khi xem
Em và Trịnh, mình tạm gác lại hình ảnh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngoài đời - người mà mình chưa hề tiếp xúc - để tự do thả hồn theo câu chuyện như một bộ phim bình thường. Và rồi có những trường đoạn mình đã thực sự xúc động.
Em và Trịnh là một phim điện ảnh tiểu sử đúng nghĩa, có lẽ là đầu tiên của Việt Nam. Phải có tuyến truyện về Trịnh Công Sơn trung niên, khi ông hồi tưởng lại thời trẻ với những giai đoạn sáng tác khác nhau đi cùng biến cố thời cuộc, thì phim mới ra phim. Nhà làm
phim đã thử thách mình một cách nghiêm khắc: yêu cầu diễn viên nhập vai và hóa thân nghiêm túc, hát các ca khúc kinh điển của Trịnh Công Sơn bằng giọng của họ, tự nói giọng Huế bằng giọng của họ (dù chịu không ít lời chê về việc này). Đó là lối làm phim chuyên nghiệp, rất khó nhưng cần thiết. Nó đòi hỏi diễn viên phải đầu tư hơn, nghiêm cẩn hơn. Họ phải thoại bằng toàn bộ tâm hồn, cơ thể mình khi diễn chứ không phụ thuộc vào người lồng tiếng. Kết quả chưa thật mỹ mãn nhưng đáng khích lệ.
Đoạn mình thích nhất trong phim là trường đoạn Trịnh lên B’Lao dạy học, giữa chốn “thâm sơn cùng cốc” đầy cô độc, anh miệt mài viết thư và vẽ tranh gửi Dao Ánh mà ẩn trong những con chữ là khát khao sống mãnh liệt và tha thiết yêu đời. Phần âm nhạc là ca khúc Mưa hồng với câu hát đáng nhớ “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”, qua giọng hát tươi sáng của Avin Lu.
Nhiều người nói xem phim mà chỉ thấy người ta khen cảnh đẹp, quần áo đẹp, diễn viên đẹp thì có phải là một thất bại không? Thì mình trả lời luôn là không. Nếu cái đẹp đó phủ đầy các cảnh phim, đầu tư đến từng chi tiết nhỏ như tấm vé tàu từ Huế đi Sài Gòn, thì nó không còn là cái đẹp bề mặt mà đã trở thành sự trau chuốt, tỉ mẩn của một êkip hiểu về điện ảnh.
Chúng ta không thể cứ nói khơi khơi là tin rằng điện ảnh Việt rồi sẽ có những phim hay, phim tốt. Chúng ta cần nhìn vào tài năng và tiềm năng của các nhà làm phim cụ thể. Và dù giữa mình và Phan Gia Nhật Linh từng có mâu thuẫn cá nhân nho nhỏ, mình chưa bao giờ hết tin rằng anh sẽ tiếp tục làm được những bộ phim hay cho điện ảnh Việt.