“Bên trong vỏ kén vàng” - Hành trình tìm kiếm đức tin phá vỡ mọi niêm luật trong điện ảnh
Theo dõi MoliStar.com trên
Sự duy mỹ tuyệt đối về mặt hình ảnh và cách gợi lên vấn đề của đạo diễn Phạm Thiên Ân với “Bên trong vỏ kén vàng” sẽ mang đến cho người xem một trải nghiệm điện ảnh vô cùng lạ lẫm.
*Bài viết có tiết lộ nội dung phim Sau khi chu du khắp nơi trên thế giới, bộ phim đạt giải Camera d’Or tại Liên hoan phim Cannes của đạo diễn Phạm Thiên Ân đã chính thức công chiếu tại Việt Nam. Được phát triển từ phim ngắn Hãy tỉnh thức và sẵn sàng, Bên trong vỏ kén vàng xoay quanh hành trình đưa linh cữu chị dâu về quê ngoại của nhân vật Thiện (Lê Phong Vũ thủ vai).
Ngay từ phim ngắn, đạo diễn Phạm Thiên Ân đã đặt ra vấn đề đáng suy ngẫm cho các nhân vật trong thế giới của anh: “Dường như niềm tin của con người phình to nhanh khi họ bệnh tật hoặc hấp hối”. Với phim dài đầu tay Bên trong vỏ kén vàng, đạo diễn trở về từ Liên hoan phim Cannes đã gợi lên suy tưởng về đức tin và sự vĩnh cửu trong cuộc sống của mỗi con người. Bên trong vỏ kén vàng bắt đầu từ sự kết thúc của phim ngắn Hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Giữa không khí náo nhiệt, ồn ào lúc nửa đêm ở quán nhậu bình dân, một tai nạn thảm khốc đã diễn ra: 2 chiếc xe lao tông vào nhau trực diện, 1 người phụ nữ tử vong, 1 người bị thương nặng nhưng điều kỳ lạ là đứa trẻ lại đứng dậy một cách bình thường. Điều này lập tức trở thành đề tài bàn tán của những người xung quanh. Câu chuyện về đức tin cũng bắt đầu từ đó.
Người phụ nữ tử vong trong tai nạn chính là Hạnh - mẹ của Đạo. Hạnh có một đức tin mãnh liệt với mẹ Maria. Điều này đã giúp Hạnh có đủ bản lĩnh để sinh thành và nuôi dưỡng Đạo. Và cũng có thể, chính đức tin của Hạnh đã tạo nên sự nhiệm màu, giúp Đạo tai qua nạn khỏi.
Phim có thời lượng 3 tiếng nhưng lại vào đề rất nhanh. Chính cách kể chuyện nhanh chóng bằng góc nhìn toàn tri đã tạo nên sự hỗn loạn trong tâm trí người xem. Tai nạn thảm khốc ở đầu phim khiến khán giả đặt ra vô vàn câu hỏi: liệu người nhà của nạn nhân đang ở đâu và diễn biến tiếp theo sẽ là như thế nào. Ấy vậy mà trước tình thế đó, đạo diễn Phạm Thiên Ân vẫn chọn cách kể câu chuyện này một cách từ tốn, chậm rãi và đời đến lạ thường. Từ việc mô tả diễn biến cuộc sống hiện tại của Thiện (người nhà của Hạnh) đến việc đón nhận tin buồn là cả một quá trình dài đằng đẵng.
Chính sự chậm rãi, từ tốn mà đạo diễn Phạm Thiên Ân đặt để vào từng cảnh quay trước khi Thiện biết tin dữ càng khiến khán giả thấp thỏm, lo lắng thay cho nhân vật. Tiết tấu nhanh và chậm đối lập trong cảnh đầu phim thật sự là một thách thức lớn cho khán giả đại chúng nhưng đạo diễn đã chia sẻ: “Nếu mọi người chịu đựng được ⅓ phim thì sau đó sẽ rất cuốn hút”.
Hành trình đưa linh cữu chị dâu về quê của Thiện đã mở ra một thế giới siêu thực - nơi hiện thực và mộng tưởng cứ thế đan xen, khiến người xem chìm vào bầu khí quyển với đầy sự nghi hoặc. Bảo Lộc cũng chính là quê hương của đạo diễn Phạm Thiên Ân, đạo diễn hình ảnh Đinh Duy Hưng và nhà sản xuất Trần Văn Thi. Họ đã đồng hành với nhau từ xóm đạo nơi cao nguyên đến thảm đỏ Cannes danh giá.
Khung cảnh Bảo Lộc hiện ra thật đẹp với sương mù giăng kín lối. Những góc máy từ trên cao càng góp phần tạo nên sự hùng vĩ của cảnh vật nơi đây. Trong cảnh mờ ảo của màn sương, Thiện càng trở nên nhỏ bé, có đôi lúc còn như tan vào không gian.
Ngôn ngữ điện ảnh dày đặc và cách chơi đùa với góc máy của đạo diễn Phạm Thiên Ân đã minh chứng cho việc Bên trong vỏ kén vàng đoạt giải Camera vàng tại Liên hoan phim Cannes là hoàn toàn xứng đáng. Bên trong vỏ kén vàng đã phá vỡ mọi "niêm luật" (từ ngữ dùng để miêu tả quy chuẩn trong điện ảnh thơ) góc máy, khiến người xem vừa bức bối, vừa tò mò nhưng cũng đầy thích thú.
Nếu trong Hãy tỉnh thức và sẵn sàng, đạo diễn Phạm Thiên Ân khiến người xem bất ngờ với cú máy duy nhất kéo dài 14 phút thì đến Bên trong vỏ kén vàng, anh đã nâng cấp lên bằng cuộc trò chuyện với thời lượng 25 phút. Đó là khi Thiện đến nhà ông Lưu để gửi tiền khâm liệm cho chị dâu. Phân cảnh này đã cho thấy khả năng đạo diễn một cách tài tình của Phạm Thiên Ân. Một cú máy dài đã được tận dụng triệt để, đưa khán giả du ngoạn một vòng quanh căn nhà ọp ẹp nhưng đủ kể câu chuyện về cả cuộc đời của nhân vật từ thời trai trẻ, khi đi lính, chuyện tình với bà nhà và cơ duyên đến với nghề.
Thay vì quay cận gương mặt của hai nhân vật trong cuộc trò chuyện, đạo diễn Phạm Thiên Ân chỉ chọn một góc máy tĩnh và đặt ở vị trí trung lập. Nó tạo cho người xem cảm giác như đang thưởng thức một thước phim tài liệu đầy tính hiện thực. Mọi thứ xung quanh căn nhà cũng lần lượt được lia đến với những lời tự sự về cuộc đời của một ông lão gần đất xa trời.
Bên trong vỏ kén vàng có những cú lia máy đầy lạ lẫm và Phạm Thiên Ân không phải là một đạo diễn chiều lòng khán giả. Phim có những cú máy kéo dài hơn dự kiến của người xem và những góc quay như đang thay nhân vật né tránh thực tại. Trong Bên trong vỏ kén vàng, Phạm Thiên Ân không cho khán giả thấy những cuộc đối thoại thông thường. Đặc biệt, ở những câu thoại đinh của phim, đạo diễn luôn che giấu biểu cảm của nhân vật bằng cảnh trí xung quanh khiến người xem vừa bức bối vừa tò mò. Thế nhưng, chính điều này lại khiến Bên trong vỏ kén vàng trở nên cuốn hút hơn.
Xuyên suốt Bên trong vỏ kén vàng còn là những cuộc hội thoại về đức tin, linh hồn và sự hữu hạn của đời người. “Nghĩ đến thời gian rất ngắn ngủi của đau khổ mà đem so sánh với sự vĩnh cửu thì nó là một khoảnh khắc ngắn không là gì hết. Nếu được lời lãi về tất cả của nhân loại mà mất đi linh hồn thì có ích gì?” - đó là lời nhân vật do NSƯT Phi Điểu thủ vai nói với Thiện khi anh đi tìm Tâm. Từ đó, hồi 3 của Bên trong vỏ kén vàng dẫn dắt người xem đi sâu vào nội tâm đầy rối bời của Thiện.
Thiện là một gã trai quê, bỏ nhà lên thành phố để lập nghiệp. Tại nơi đất khách quê người, anh bị cuốn vào một cuộc chạy đua để kiếm tiền. Thiện cũng có những nhu cầu rất đỗi bình thường: đi nhậu, chém gió với đủ triết lý sự đời, tìm đến một tiệm mát-xa vui vẻ để giải quyết nhu cầu sinh lý,... Rồi đến một lúc, anh nhận ra mọi thứ đều trở nên vô nghĩa vì anh đã đánh mất chính mình.
Thiện phải vật lộn với cơn khủng hoảng hiện sinh một cách âm thầm và lặng lẽ. Anh đã sống lơ tha lơ thơ, không cảm nhận được sự tồn tại của mình từ rất lâu. Chính sự ra đi của Hạnh và những câu hỏi của Đạo đã kéo Thiện về với thực tại. Và rồi, Thiện đi tìm Tâm cũng chính là hành trình anh níu kéo lại linh hồn của chính mình. Những mảnh ký ức vụn vặt đan xen giữa hiện thực và giấc mơ đã cho thấy sự chơi vơi và lọt thỏm trong thế giới của Thiện.
Phạm Thiên Ân đặt ra vấn đề nhưng lại không đưa cho khán giả một câu trả lời thỏa đáng. Đến cuối cùng, Thiện không tìm được Tâm. Anh vẫn hoang mang nằm giữa dòng suối, im lặng nghe tiếng róc rách của những giọt nước chảy ngang tai. Phân đoạn không có một câu thoại nào nhưng cách cắt dựng tinh tế đã khiến người xem cảm nhận được nhịp chuyển của nhân vật. Bên trong vỏ kén vàng là tác phẩm phim dài đầu tay và cũng là một sản phẩm mang đậm tính di sản cá nhân của đạo diễn Phạm Thiên Ân. Ngoài đóng vai trò đạo diễn, biên kịch, anh còn kiêm luôn vị trí dựng phim. Và có lẽ chính vì thế, anh đã có cách kể câu chuyện bằng hình ảnh nhịp nhàng đến từng hơi thở.
Bộ phim tối giản đến mức khiến người xem bất ngờ. Thế nhưng, chính sự tối giản ấy đã cho thấy tư duy độc đáo của đạo diễn Phạm Thiên Ân. Anh chuộng những góc máy tĩnh, chỉ đóng vai trò như một người quan sát từ xa để kể câu chuyện một cách trung lập. Cách dựng phim cũng không cầu kỳ, chủ yếu chuyển cảnh bằng sự tương đồng về mặt hình ảnh và chớp mắt để sang bối cảnh khác. Âm nhạc cũng là thứ giúp nhịp điệu của Bên trong vỏ kén vàng trở nên lôi cuốn. Đạo diễn Phạm Thiên Ân bắt đầu câu chuyện trong phim dài đầu tay của mình bằng một bài nhạc quen thuộc trong các quán nhậu ven đường. Ở những phân đoạn nhân vật suy tư, âm nhạc của Franz Schubert vang lên càng giúp bầu khí quyển của Bên trong vỏ kén vàng thêm sâu lắng.
Bên trong vỏ kén vàng không dễ xem nhưng là một trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời với những người yêu phim Việt. Đó là sự duy mỹ đến mức tuyệt đối của đạo diễn Phạm Thiên Ân. Nhìn vào Bên trong vỏ kén vàng, khán giả có thể đặt nhiều niềm tin hơn về sự phát triển của dòng phim nghệ thuật tại Việt Nam.
Tác phẩm “Phòng Giáo viên” đã nhận được nhiều đề cử và chiến thắng tại các giải thưởng danh giá của Đức, châu Âu và châu Mỹ. Nổi bất nhất phải kể đến đề cử Oscar 2024 cho hạng mục ‘Phim quốc tế xuất sắc nhất’.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lần đầu tiên tham dự sự kiện ra mắt phim chuyển thể từ sách của mình, Phan Mạnh Quỳnh tham gia đóng phim "Ngày xưa có một chuyện tình".