Năm nay, các cửa hàng xung quanh chùa Hà nở rộ dịch vụ "sắp lễ, viết sớ" cầu duyên, được quảng cáo "mát tay, nhanh được". Nhân viên ra vào chùa hàng chục lần để hướng dẫn người dân dâng lễ.
Sát ngày lễ tình nhân (14/2), đúng dịp cuối tuần hửng nắng, nhiều người trẻ tìm đến chùa Hà (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để cầu tình duyên.
Nhiều năm nay, ngôi chùa này được mệnh danh là chùa cầu duyên linh thiêng nhất miền Bắc. Những ai muốn cầu tình duyên đều gửi trọn "niềm thương nỗi nhớ" vào đây, với hy vọng "khi đi lẻ bóng, về thì có đôi".
Theo những người làm việc tại chùa Hà, không có truyền thuyết nào gắn liền với tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên, không biết từ bao giờ, người đời "rỉ tai" và "thêu dệt" hình ảnh ngôi chùa gắn liền với đường tình duyên.
Theo đó, những người cô đơn sau khi lễ chùa, được cho là sẽ tìm thấy "tình yêu đích thực". Còn với những cặp đôi, tình cảm càng thêm khăng khít và bền lâu.
Mâm lễ cầu duyên thường gồm hương vàng, miếng trầu, hoa quả, bánh trái, cặp nến hồng/đỏ, đặc biệt không thể thiếu hoa hồng - loài hoa tượng trưng cho tình yêu. Mức giá mỗi mâm lễ dao động từ 70.000 - 200.000 đồng tùy thuộc số lượng đồ lễ.
Chi phí văn khấn, bài sớ khoảng 45.000 - 50.000 đồng. Bài khấn đã được thảo sẵn, người dâng lễ chỉ cần điền tên, tuổi, địa chỉ, mong muốn tác hợp nhân duyên và khấn trước Điện Mẫu.
Bùi Thị Khánh Ly, 21 tuổi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cùng 3 người bạn đi xe máy từ huyện Gia Lâm đến chùa Hà. Trước đó, từ sáng sớm, nhóm đã đi chợ mua sắm mâm lễ tươm tất.
Các cô gái cho biết chủ tâm cầu sức khỏe, bình an, tiếp đó là chuyện học hành, cuối cùng mới là cầu tình duyên.
"Chúng tôi đọc nhiều bài viết trên mạng xã hội, biết rằng chùa Hà là nơi cầu tình duyên nổi tiếng nên rủ nhau đến trải nghiệm", Ly nói.
Năm nay, các cửa hàng xung quanh chùa Hà nở rộ dịch vụ "sắp lễ, viết sớ" cầu duyên, được quảng cáo "mát tay, nhanh được".
Bà Lê Thị Lan, 61 tuổi, cho biết những ngày sát lễ tình nhân, cửa hàng phải huy động 15 - 20 nhân viên, song vẫn không xuể. Trong số này, 4 - 5 người chuyên bê lễ, ra/vào chùa hàng chục lần để hướng dẫn khách hàng cách khấn từng ban.
Bà ước tính, lượng khách tăng gấp 10 lần ngày thường, chủ yếu là người trẻ đến cầu tình duyên.
Mỗi lần đến chùa Hà, người dân cần chuẩn bị 3 mâm lễ, theo thứ tự dâng lên ban Tam Bảo cầu bình an sức khỏe, sau đó khấn Đức Ông cầu công danh sự nghiệp, cuối cùng xuống Điện Mẫu khấn cầu tình duyên.
Những ngày này, ban thờ Điện Mẫu luôn chật kín mâm lễ cầu tình duyên.
Bà Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi), chủ một cửa hàng đối diện chùa, cho hay sau những ngày nồm ẩm, tranh thủ cuối tuần hửng nắng, người dân tìm đến chùa Hà đông đúc.
Nhiều người lần đầu đi chùa Hà, do chưa có kinh nghiệm, nên thường cầm sẵn văn khấn trên tay, nhìn và khấn nhẩm theo.
Bà Lê Thị Lan cũng cho biết, nhiều đôi nam nữ cầu tình duyên toại nguyện, sau một tuần hoặc nửa tháng, đều quay lại chùa Hà để tạ lễ.
"Dù chưa được kiểm chứng, nhưng bản thân người làm lễ cầu duyên tại chùa Hà cũng sẽ vơi bớt những "nỗi khổ tình", cảm thấy được che chở, sớm mở lòng để có thể gặp được nhân duyên mới tốt lành", bà Lan nói.
Kết thúc lễ chùa, người dân lễ tạ tất cả các ban và xin hóa sớ, tiền vàng.
Do lượng người đến chùa tăng cao, lò hóa vàng liên tục đỏ lửa.
Nguyễn Ngọc Linh và Phùng Yến Nhi, cùng 19 tuổi, sinh viên Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh (Hưng Yên), đi xe buýt xuống Hà Nội từ trưa. Lần đầu đến chùa Hà, hai nữ sinh được những người bán hàng hướng dẫn mua mâm lễ giá 200.000 đồng/người và các bước khấn lễ.
"Chúng tôi hơi bỡ ngỡ, không biết đặt lễ ở đâu và hoàn toàn làm theo chỉ dẫn của người bán", Linh nói và hy vọng sớm tìm được người yêu như mong muốn.
Trong khi đó, anh Phạm Văn Lộc, 32 tuổi, sống ở Hoài Đức (Hà Nội) sau khi tìm hiểu kinh nghiệm cầu duyên tại chùa Hà qua mạng xã hội, nhận thấy "tỷ lệ thành công cũng khá cao".
"Trước đây tôi cũng từng có người yêu, nhưng vì trắc trở ngoài ý muốn nên chia tay. Lần này, tôi thành tâm đi chùa cầu duyên, mong rằng tìm được tình yêu đích thực và bền vững", anh nói.