Người mẹ nghèo ôm con trai đi khắp nơi chữa bệnh rồi trở về 2 bàn tay trắng
Theo dõi MoliStar.com trên
Trường bất ngờ đổ "bệnh lạ" không nhớ cả tên bố mình... Xót xa cậu con trai, người mẹ nghèo vay mượn tiền đưa con đi chữa bệnh, rồi bà lại run rẩy trở về với 2 bàn tay trắng, trong căn nhà cũ nát.
Sau khi vượt qua con suối cạn với lổn nhổn đá hòn, đá tảng cùng con đường mòn quanh co, chúng tôi đến nơi ở của gia đình chàng trai trẻ bất hạnh Nông Ngọc Trường, 26 tuổi (thôn Bản Quăng, xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn).
Thật khó có thể gọi đây là "nhà" được. Bởi nhìn nó chỉ nhỉnh hơn túp lều coi vịt một chút với mái lá đã mục nát, xung quanh được che chắn bởi những tấm liếp cũng đã không còn nguyên vẹn…
Đứng ngắm căn nhà trống huếch, trống hoác tôi không khỏi lo sợ khi nghĩ đến những con người khốn khổ ở đây sẽ phải chống chọi thế nào với những cơn dông, lốc của mùa mưa bão hay họ sẽ ứng phó ra sao với cái rét đến thấu xương của miền núi cao, khi mùa đông đang đến gần…
Nhưng chưa hết, những gì đang diễn ra bên trong căn nhà nát ấy càng khiến chúng tôi thêm đau lòng. Ngồi bệt trên nền nhà ẩm ướt, chàng trai trẻ vốn là sinh viên Trường Cao đẳng cộng đồng Bắc Kạn ngước lên, gương mặt khá khôi ngô, nhưng ánh mắt thì vô hồn và nụ cười ngây dại.
Sau hơn 4 năm gia đình vay mượn đưa con đi khắp mọi nơi với gánh nợ hàng trăm triệu đồng, bệnh tình của đứa con duy nhất vẫn không mấy thuyên giảm.
Ngồi thẫn thờ bên bậu cửa, nhìn con trai bằng đôi mắt hoe đỏ, bà Nguyễn Thị Chiên (49 tuổi), buồn bã cho chúng tôi biết:
"Nếu không phát bệnh thì cháu nó ra trường, đi làm cũng được 4 năm rồi. Cháu nó là niềm hy vọng duy nhất của cả nhà tôi, giờ không ai ngờ suốt ngày đờ đẫn như đứa trẻ, đến tự tắm cho mình cũng không làm được. Sao ông trời lại nỡ bắt tội con tôi thế này!...", trong sự đau đớn đến tột cùng, người mẹ nghèo bưng mặt bật khóc nức nở như một đứa trẻ.
Nước mắt lưng tròng, bà Chiên bùi ngùi kể, sau gần 10 năm bươn trải khắp nơi kiếm sống, năm 2003 vợ chồng bà dắt đứa con trai duy nhất trở về quê nội (thôn Bản Quăng, xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) sinh sống. Không một xu dính túi, không "mảnh đất cắm dùi", đôi vợ chồng nghèo nhờ bà con hàng xóm, họ hàng vào rừng đốn cây, chặt lá…, dựng căn nhà nhỏ lên bãi đất trống bên con suối lấy chỗ chui ra chui vào.
Cuộc sống vốn đã khốn khó, con trai lâm bệnh hiểm nghèo phải chạy chữa lâu dài, gia đình bà Chiên đã lâm vào bĩ cực.
Để lo cho đứa con được đến trường, đôi vợ chồng nghèo làm tất cả những việc gì có thể, từ lên rừng lấy măng, hái củi cho đến làm thuê làm mướn… Ruộng đất ít, vốn liếng không có nên dù có tất bật từ sáng sớm đến tối mịt thì cuộc sống của gia đình chị Chiên cũng luôn trong cảnh khó khăn, thiếu thốn.
Thương bố mẹ, năm 2014 sau khi học xong phổ thông, Trường không thi đại học mà xin đi làm, hy vọng có được chút tiền giúp bố mẹ trang trải cuộc sống. Sau hơn 2 năm làm công nhân thời vụ cho một số công ty ở tỉnh Bắc Kạn, chàng trai hiếu học quay trở về thi đại học. Với bao nỗ lực, năm đó Trường trúng tuyển vào Trường Cao đẳng cộng đồng Bắc Kạn.
Sau hơn 2 năm miệt mài trên giảng đường, chỉ còn vài tháng nữa là có thể cầm được tấm bằng trong tay, thì tai họa bất ngờ giáng xuống đầu chàng trai trẻ đầy nghị lực này.
Căn nhà mái lá sau nhiều năm đã quá mục nát.
"Khi cháu nó sắp tốt nghiệp, một lần về thăm nhà tôi thấy cháu nó có những biểu hiện lạ như ít nói, tự nhiên ngồi thừ người, thậm chí không nhớ tên bố mẹ. Sau đó cháu nó không thể theo học tiếp được nữa. Vợ chồng chúng tôi cho cháu đi khám thì bác sĩ cho biết, cháu nó bị trầm cảm, có loạn thần… Chắc vì sợ bố mẹ lo lắng, cháu nó học quên ngày, quên đêm nên mới ra nông nỗi này…", bà Chiên ứa nước mắt, bật khóc.
"Gần đến ngày hái quả", nhưng Trường không thể hoàn thành được khóa học. Để chữa trị cho con, bà Chiên vay mượn đưa con đi từ bệnh viện này bệnh viện khác, từ miền Bắc cho đến miền Nam…
Hễ có ai mách nơi nào có thể chữa được bệnh của con, là vợ chồng nghèo lại "khăn gói" đưa con đến. Nhưng với biết bao nỗ lực đến kiệt sức của bố mẹ nghèo, sau hơn 4 năm chạy chữa, bệnh tình chàng trai trẻ không mấy thuyên giảm.
Sức cùng lực kiệt, bà Chiên đau lòng đưa con trở về nhà. Chàng trai trẻ vốn thông minh, hiếu học, giờ ngây ngô như một đứa trẻ lên 3, tương lai vùi chôn trong căn nhà lá rách nát.
Căn nhà rách nát này là nỗi lo lắng thường trực của gia đình bà Chiên, nhất là đang trong mùa mưa bão.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nông Ngọc Huynh trưởng thôn Bản Quăng chia sẻ:
"Hàng ngày nhìn cháu Trường ngây ngây dại dại trong căn nhà sắp sập ấy, chúng tôi cũng xót xa và lo lắng lắm. Thằng bé vốn hiếu thảo, lại ham học ai cũng nghĩ cháu có tương lai, vậy mà bây giờ lại ra nông nỗi này. Chúng tôi cũng đã vận động giúp cháu và gia đình, nhưng ngặt nỗi bà con ở đây còn nghèo quá, nên rất hạn chế. Qua đây, tôi tha thiết mong mỏi các nhà hảo tâm giúp cháu Trường có cơ hội được chữa trị tiếp…".
WITH Project đã tổ chức thành công AFTERGLOW - sự kiện đầu tiên của mùa hoạt động thứ 5 - với bốn hoạt động chính bao gồm: Hoạt động Tư vấn, Triển lãm Tương tác, WITHSchool Game và Hoạt động Thủ công: Làm đồ DIY mở rộng.
Triển lãm "Sáng đạo trong đời" quy tụ 51 tác phẩm độc đáo của 12 nghệ sĩ tài hoa trong lĩnh vực hội họa, mở ra một không gian nghệ thuật lan toả truyền thống văn hóa và ý nghĩa của Phật giáo.
Lễ hội Sống khỏe năm 2024 được thiết kế theo mô hình “Lễ hội văn hóa”, tích hợp đa yếu tố “5 trong 1”, sở hữu nhiều hoạt động trong khuôn khổ các lĩnh vực: Y tế, văn hóa, thể thao, du lịch và giải trí.