Nghe cuộc gọi giả danh công an, tiền tỷ của giáo viên, giáo sư 'ra đi' phút chốc
Theo dõi MoliStar.com trên
Giáo viên tiểu học lập tài khoản theo yêu cầu của kẻ giả danh công an, để rồi mất hơn 3 tỷ đồng. Vị giáo sư 83 tuổi cũng để mất 750 triệu.
Yêu cầu mở tài khoản ngân hàng, nạp tiền, gửi link lạ cho truy cập
Bà C.Đ.T.H. (SN 1979, giáo viên một trường tiểu học ở Nam Định) kể lại: “Vào cuối tháng 3/2023, tôi nhận được cuộc gọi của người tự xưng là công an. Người này nói tôi tham gia vào đường dây buôn bán người qua Campuchia. Nghe vậy, tôi khẳng định là không có chuyện đó".
Tuy nhiên, người tự xưng là công an này nói, để chứng tỏ không vi phạm, bà phải chứng minh tài chính. Họ yêu cầu bà ra ngân hàng lập tài khoản mới. Sau khi lập xong, người tự xưng là công an tiếp tục yêu cầu gửi các thông tin qua zalo và truy cập vào đường link họ gửi. Đường link này có logo Bộ Công an như thật, để khai thông tin tên tuổi, số tài khoản, mã OTP.
Trong 4 ngày sau đó, người giả danh công an này liên tục gọi điện và yêu cầu làm theo các hướng dẫn, huy động số tiền lớn gửi vào tài khoản mới mở.
"Họ nói rằng, sau khi công an vào cuộc sẽ dỡ phong tỏa tài khoản”, bà C.Đ.T.H. kể.
Vì nghĩ tiền vẫn để trong tài khoản và không mất, trong vòng 4 ngày, bà đã rút hết tiền tiết kiệm, vay gia đình bạn bè lên đến hơn 3 tỷ đồng gửi vào tài khoản mới mở.
“Không chỉ có vậy, người tự xưng công an liên tục nhắc tôi không được kể cho bất kỳ ai vì sẽ ảnh hưởng đến chuyên án điều tra. Đến khi chuyện vay mọi người quá nhiều vỡ ra, người thân truy hỏi và tôi mới kể. Lúc này người nhà vào tài khoản thì số dư hơn 3 tỷ không cánh mà bay, tất cả mất hết. Không hiểu sao lúc đó tôi mụ mị như vậy”, bà H. nói.
Kẻ giả danh nã điện thoại liên tục, yêu cầu tham gia phá án
Một trường hợp khác là giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, nhưng tuổi đã cao, khi bị kẻ giả danh gọi điện thoại, thao túng tâm lý, cũng đã mắc bẫy lừa mất tài sản.
Giáo sư T.H.Q. (83 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) kể: “Vào ngày 18/3/2022, tôi nhận được cuộc điện thoại của người tự xưng là Trung úy Hoàng Văn Tuân, hiệu sĩ quan 1053...".
Trao đổi qua điện thoại, người này xưng đơn vị công tác ở Đội 6 Phòng cảnh sát điều tra tội phạm (Công an Đà Nẵng), nói rằng ông đã có mặt trên chiếc ô tô gây tai nạn tại thành phố này, yêu cầu có mặt để điều tra vụ án.
Giáo sư T.H.Q chia sẻ với PV VietNamNet về việc mình bị lừa đảo.
Cũng theo lời giáo sư T.H.Q., lúc nhận thông tin, ông thấy sửng sốt vì những năm gần đây không đi Đà Nẵng. Đây cũng là thời gian ông rất bận vì phải chủ trì một hội nghị toàn quốc. Trao đổi điện thoại, người tự xưng là Trung úy Hoàng Văn Tuân còn nói sẽ có cán bộ tên Huỳnh Đức Thơ hướng dẫn tiếp.
Kế hoạch lừa giáo sư T.H.Q. rất bài bản. Sau đó, một người tự xưng tên là Huỳnh Đức Thơ liên tục gọi điện cho giáo sư T.H.Q để dọa nạt, nói đây là vụ án nghiêm trọng, yêu cầu ông phối hợp điều tra. Người này thông báo, nếu giáo sư T.H.Q. muốn tại ngoại, cần nộp 300 triệu đồng.
Từ những cuộc điện thoại liên tục, đối tượng tự xưng tên Huỳnh Đức Thơ yêu cầu giáo sư T.H.Q. mở tài khoản cá nhân và chuyển tiền vào.
“Do thời điểm đó tôi đang bị áp lực tâm lý nên đã rút toàn bộ tiền tiết kiệm gồm 420 triệu để nộp vào tài khoản. Trong tài khoản có 30 triệu, tổng là 450 triệu. Sau đó tôi còn đi vay tiếp 300 triệu để nộp vào tài khoản.
Chúng hướng dẫn từng bước để yêu cầu tôi chuyển mã số OTP, rồi tiếp tục dọa nạt, yêu cầu tôi phải liên tục mở điện thoại để cùng tham gia phá án, bắt kẻ chủ mưu. Có ngày chúng gọi tới 120 cuộc điện thoại”, giáo sư T.H.Q. kể.
Sau vụ việc, ông T.H.Q. làm đơn trình báo gửi Công an TP Hà Nội, tố giác các đối tượng. Nhưng vụ án đang tạm đình chỉ điều tra vì chưa xác định được đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo.
WITH Project đã tổ chức thành công AFTERGLOW - sự kiện đầu tiên của mùa hoạt động thứ 5 - với bốn hoạt động chính bao gồm: Hoạt động Tư vấn, Triển lãm Tương tác, WITHSchool Game và Hoạt động Thủ công: Làm đồ DIY mở rộng.
Triển lãm "Sáng đạo trong đời" quy tụ 51 tác phẩm độc đáo của 12 nghệ sĩ tài hoa trong lĩnh vực hội họa, mở ra một không gian nghệ thuật lan toả truyền thống văn hóa và ý nghĩa của Phật giáo.
Lễ hội Sống khỏe năm 2024 được thiết kế theo mô hình “Lễ hội văn hóa”, tích hợp đa yếu tố “5 trong 1”, sở hữu nhiều hoạt động trong khuôn khổ các lĩnh vực: Y tế, văn hóa, thể thao, du lịch và giải trí.