Mánh khóe 'lùa gà' của công ty bất động sản vừa bị cảnh sát đột kích ở Đồng Nai
Theo dõi MoliStar.com trên
Nguyễn Văn An đã thuê hơn 120 nhân viên để xây dựng một tổ chức lừa đảo núp bóng công ty bất động sản nhằm "lùa gà", "ép" khách hàng xuống tiền đặt cọc.
Liên quan đến vụ bắt tổng giám đốc và 120 nhân viên bán ‘dự án ma’, Công an Đồng Nai cho biết, đơn vị này vừa triệt phá một tổ chức lừa đảo bán “dự án ma” của Nguyễn Văn An (27 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty Lộc Phúc có trụ sở tại quận Tân Bình, TP.HCM) cùng cả trăm nhân viên.
Bước đầu, các nhân viên khai nhận, từ tháng 6/2022, Công ty Lộc Phúc tổ chức các sàn giao dịch bất động sản “ảo” trên địa bàn Đồng Nai với thủ đoạn tinh vi nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một số khách hàng muốn mua nhà đẹp giá rẻ.
Theo đó, Nguyễn Văn An đã xây dựng một tổ chức lừa đảo núp bóng công ty bất động sản. Tổ chức này hoạt động rất tinh vi, có kịch bản, phân công cấp bậc từng người.
Cụ thể, An đã thuê hơn 120 nhân viên cùng 20 người khác đóng giả khách hàng. Trong đó, khoảng 100 người là sinh viên, thực tập sinh làm nhân viên cho công ty. An cho người hướng dẫn các sinh viên vào trang mạng xã hội, tìm những căn nhà đẹp ở TP.HCM rồi chụp ảnh, đăng lên website của công ty và trang Chợ tốt để giới thiệu bán cho khách hàng.
Vị trí tổ chức sàn giao dịch bán "dự án ma" ở Đồng Nai vừa bị công an triệt phá. Ảnh: CACC
Khi “con mồi” yêu cầu đi xem nhà ở TP.HCM, nhân viên Công ty Lộc Phúc dùng số điện thoại (sim rác) liên hệ với khách hàng rồi hẹn đến một quán cà phê đã được công ty sắp đặt trước.
Tại điểm hẹn, hàng trăm nhân viên và “chân gỗ” đợi khách hàng đến rồi “lùa” lên ô tô 52 chỗ, che kín kính cửa, chở thẳng về “dự án ma” của công ty ở Đồng Nai. Trên quãng đường đi, các nhân viên tổ chức trò chơi có thưởng để khách hàng phân tâm, không nóng ruột vì quãng đường đi mất nhiều thời gian.
Trên xe, các “chân gỗ” sẽ ngồi xen kẽ với khách hàng, giao tiếp với họ để tạo sự gần gũi, rồi lôi kéo, dụ dỗ họ cùng giao dịch mua bất động sản. Tiền của các “chân gỗ” đều do công ty chuẩn bị sẵn. Khách hàng thấy “chân gỗ” xuống tiền đặt cọc cũng làm theo.
Đến vị trí “dự án ma” do công ty dựng lên, các nhân viên đưa ra bản vẽ tự thiết kế. Sau đó, “chân gỗ” có nhiệm vụ đồng hành cùng khách hàng. Lúc này, nhân viên công ty vây quanh giới thiệu sản phẩm giá trị cao gấp nhiều lần so với thực tế của lô đất. Nhân viên thúc giục khách hàng xuống cọc còn “chân gỗ” có nhiệm vụ tác động tâm lý, tạo lòng tin cho khách.
Tang vật thu tại Công ty Lộc Phúc (TP.HCM). Ảnh: CACC
Khi khách hàng đồng ý đặt cọc khoảng 100 triệu đồng, công ty sẽ viết biên nhận. "Chân gỗ" đi cùng khách lên ô tô 7 chỗ về công ty. Trưởng phòng kinh doanh, nhân viên tiếp tục tác động khách hàng đặt thêm tiền cọc từ 60% - 70% giá trị giao dịch trên lô đất. Nếu khách hàng phát hiện ra lô đất đó cao hơn giá trị thực tế, yêu cầu trả lại cọc, nhân viên sẽ từ chối. Trường hợp khách hàng khiếu nại, tố cáo thì nhân viên trực tiếp giao dịch với khách hàng đó sẽ huỷ sim rác và chặn liên lạc.
Bằng thủ đoạn này, Công ty Lộc Phúc mua những khu đất nông nghiệp với giá vài trăm triệu đồng, sau đó tự vẽ dự án, rao bán với giá 2-3 tỷ đồng. Cơ quan công an ước tính mỗi tháng công ty này đã chiếm đoạt khoảng 20 tỷ đồng của người dân. Cho tới nay, con số này có thể lên tới hàng trăm tỷ.
Triển lãm "Sáng đạo trong đời" quy tụ 51 tác phẩm độc đáo của 12 nghệ sĩ tài hoa trong lĩnh vực hội họa, mở ra một không gian nghệ thuật lan toả truyền thống văn hóa và ý nghĩa của Phật giáo.
WITH Project đã tổ chức thành công AFTERGLOW - sự kiện đầu tiên của mùa hoạt động thứ 5 - với bốn hoạt động chính bao gồm: Hoạt động Tư vấn, Triển lãm Tương tác, WITHSchool Game và Hoạt động Thủ công: Làm đồ DIY mở rộng.
Lễ hội Sống khỏe năm 2024 được thiết kế theo mô hình “Lễ hội văn hóa”, tích hợp đa yếu tố “5 trong 1”, sở hữu nhiều hoạt động trong khuôn khổ các lĩnh vực: Y tế, văn hóa, thể thao, du lịch và giải trí.