Giành giật sự sống với “thần chết” giữa trung tâm Sài Gòn, đau đáu nỗi lo cơm áo gạo tiền nơi xóm chạy thận
Theo dõi MoliStar.com trên
Người phụ nữ mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, sinh con trong hình hài lành lặn nhưng những cơn bệnh hiểm nghèo cứ từ đâu ập đến. Người trong cuộc cũng không biết phải sống như thế nào, mẹ trăn trở chuyện tiền nong, con thì đều đặn phải đi chạy thận để duy trì sự sống.
Tim thắt lại khi nghe thông tin từ bác sĩ
Đặt chân vào khu xóm trọ nhỏ bên cạnh bệnh viện Nhi đồng 2 (Quận 1, TP. HCM), không khí ảm đạm, vắng tiếng người chỉ nghe được tiếng còi xe cấp cứu inh ỏi ở kế bên vọng qua. Trong những căn nhà xuống cấp rộng khoảng 10m2 là nhiều mảnh đời khó khăn đang giành giật sự sống, đấu tranh với thần chết từng ngày từng giờ.
Nơi đây từng được rất nhiều mạnh thường quân hỗ trợ giúp đỡ nhưng có thể chưa bao giờ là đủ so với số tiền sinh hoạt, thuốc men kể cả tiền ăn uống. Kinh phí của mỗi ca ghép thận cho các bé được biết từ khoảng từ 250 - 300 triệu đồng. Có thể đối với một số gia đình khá giả, số tiền này chẳng đáng bao nhiêu nhưng đây là con số có thể bằng chục năm làm lụng vất vả, bán lưng cho đất, bán mặt cho trời của các bậc phụ huynh sinh sống tại xóm trọ này.
Thoạt chừng, nhìn các bé vẫn như bình thường như những đứa trẻ khác nhưng bên trong lại chứa nhiều nỗi đau về thể chất lẫn tinh thần. Các đứa trẻ nơi đây đa phần là bị suy thận và một số căn bệnh khác như tim mạch, tiểu đường…
Mỗi trường hợp là những mảnh đời khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung là đều phải “làm bạn” với cô y tá, chú bác sĩ tại khoa Thận Niệu - bệnh viện Nhi đồng 2. Trò chuyện cùng chị Ê Van (quê quán Đắk Lắk) sinh sống trong một phòng trọ chỉ vừa đủ ba người ngồi mới biết tất cả những đứa trẻ ở đây đều phải chạy thận liên tục, phải ở chôn chân tại đây để duy trì sự sống. Hơn nữa, các bé, các mẹ cũng không thể về quê vì có trường hợp phải chạy thận lên đến 4 lần/tuần.
Hoãn việc học để chăm sóc cho sức khỏe, con chữ, tập vở là những thứ xa xỉ đối với các em. Những đứa trẻ trong xóm chạy thận chỉ lẩn quẩn cùng mẹ trong phòng với 4 bức tường, đôi khi lại xuống sân chạy giỡn cùng với các cô cậu bạn hàng xóm, cũng là bệnh nhân suy thận.
Các bé ở đây cũng xem nhau như bạn bè thân thiết, sống cùng nhau, chơi cùng nhau và sinh hoạt cùng nhau. Chị Ê Van đã sống tại đây được 3 năm, kể từ khi biết bé bệnh suy thận giai đoạn cuối, chị cùng con là H Dung lên đây để sinh sống và chạy thận cho bé.
Mỗi tháng, hai mẹ con tốn khoảng 4 triệu đồng tiền sinh hoạt phí, từ tiền trọ đến thuốc men cho H Dung. Hai mẹ con ăn mì tôm sống qua ngày hoặc nguồn sống dựa vào cơm từ thiện của các mạnh thường quân ở trong bệnh viện. Cứ thế, chị Ê Van và bé H Dung tiếp tục có sức lại chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo.
Chị Ê Van cho biết chỉ có cách ghép thận mới thoát được tình cảnh này, nếu không thì cứ chạy thận mãi mãi cho đến khi không còn khả năng. Một ca ghép thận kinh phí rất cao đối với người không có thu nhập như chị Ê Van và như nhiều trường hợp khác đang sinh sống trong xóm chạy thận giữa lòng thành phố.
Trò chuyện cùng chị Trần Thị Thiện mới biết được nổi lòng của những bà mẹ khi luôn luôn lo lắng và hồi hộp về tình trạng sức khỏe của con mình. Chị Thiện cho biết: “Bây giờ cũng không biết làm gì để kiếm thêm thu nhập. Tiền để mua thuốc cho bé thì mình vay mượn khắp nơi, đất cát ở nhà bán cũng gần hết. Khi nào bé ổn định sức khỏe một phần thì cố gắng làm bánh đi bán mà cũng chẳng được bao nhiêu”.
Trường hợp em Phạm Thế Hoàng (con của chị Trần Thị Cường) tình trạng bệnh nặng hơn nhiều so với các trường hợp khác vì bé bị tiểu đường khi vừa lên 5 tuổi. Sau đó, di chứng của căn bệnh này khiến bé mệt hơn. Hiện tại, bé đang bị suy thận, bị bệnh tim. Chị cho biết bây giờ bác sĩ cũng khuyên là cho bé chạy thận, lọc máu cầm chừng và kéo dài sự sống chứ không có cách nào khác.
Đối với chị Cường, nỗi đau đớn, lo toan vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc khi người mẹ trẻ đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón nhận tin dữ từ bác sĩ bất kỳ lúc nào: “Bé bị tiểu đường, đường huyết lên xuống thất thường, hay co giật, phải chạy thận liên tục,đợt trước bé nằm trong viện 7 tháng. Nay tình trạng sức khỏe ổn định hơn một phần nên được chạy thận và ra ngoài. Gần đây thì bé bị tắc mạch máu, do có bệnh nền tiểu đường đường huyết chênh lệch không ổn định nên tiếp tục phải vào viện điều trị”.
Theo các con chạy thận, những bà mẹ tại xóm trọ cũng nung nấu nỗi nhớ gia đình. Chị Trần Thị Thiện cho biết bản thân nhớ nhà, nhớ hai đứa con và chồng vẫn còn ở dưới quê, chỉ gặp nhau qua màn hình điện thoại. Còn chị Ê Van cũng khao khát được đón một cái Tết sum vầy cùng gia đình, một cái Tết bên mâm cơm có đủ mặt các thành viên và đầy tiếng cười nói vui vẻ.
Những mối lo toan dài đằng đẵng
Ở trong bệnh viện, ngày qua ngày càng có nhiều trường hợp bị suy thận, phải chạy thận nên bệnh viện cũng đã quá tải nên các bậc phụ huynh chỉ có cách nằm hành lang để chăm nom các cháu nhỏ. Chị Trần Thị Cường cho biết trong bệnh viện có phòng dịch vụ, cơ sở vật chất tốt hơn, phụ huynh sẽ được chỗ nghỉ ngơi tiện nghi hơn nhưng đối với chị điều đó là xa xỉ. Vì kinh phí thuốc men đã cho con đã rất chật vật thì tiền để trang trải cho những vấn đề khác gần như không có.
“Còn nước là còn tát” - chị Trần Thị Thiện tâm sự, mang nặng đẻ đau không nỡ đành lòng nhìn con ra đi khi còn quá nhỏ. Đôi khi nằm trằn trọc suy nghĩ về tình trạng bệnh của con, chị Thiện đã bật khóc nức nở vì không nghĩ con của mình lại phải phòng hồi sức tích cực ICU đến 3 lần, mỗi khi bác sĩ muốn gặp mặt trò chuyện trực tiếp là tim chị lại nhói cơn đau vì sợ phải nghe tin dữ.
Mỗi lần các bé chạy thận hay phải nhập viện, các bậc phụ huynh luôn sốt ruột, nôn nao không dám chợp mắt quá lâu vì sợ con gặp vấn đề hay tụt huyết áp bất chợt đe dọa đến tính mạng. Chị Cường nhớ lại những lần chăm con tại bệnh viện: “Con mình nó ngứa khắp người, nóng lưng, bóp chân, bóp tay phải xoa bóp cho máu huyết lưu thông. Nồng độ Kali lên thì bé mệt, Urê lên thì bé ngứa, nhiều khi bé làm mình trở tay không kịp. Mỗi lần chạy thận mất 3,5 giờ đồng hồ, mình ngồi ngoài đợi có gì bác sĩ hay y tá gọi tên thì mình vào hỗ trợ cho bé”.
Phụ huynh cũng đành bất lực, chỉ biết cố gắng từng ngày từng giờ và vẫn chưa có ý định bỏ cuộc. Tuy đôi lần cũng phải bật khóc khi thấy tình trạng của con quá nặng nhưng những bà mẹ mạnh mẽ kiên cường nơi xóm thận vẫn cố gắng “chạy đôn chạy đáo” để đảm bảo cho con có đủ kinh phí, sức khỏe và năng lượng để chống chọi với bệnh tật.
Họ cứ mãi bám trụ ở mảnh đất Sài Thành, không phải vì miếng cơm manh áo mà lại vì sức khỏe của những đứa bé phải đấu chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Trong xóm trọ nhỏ, ai ai cũng ước sẽ có đủ kinh phí để thực hiện các ca ghép thận. Giờ đây, họ lại tiếp tục với nỗi lo về kinh phí để lo tiền thuốc cho các bé, câu chuyện về quê ăn Tết và đang kiếm tìm một nơi ở mới phù hợp trước khi nơi này giải tỏa.
Triển lãm "Sáng đạo trong đời" quy tụ 51 tác phẩm độc đáo của 12 nghệ sĩ tài hoa trong lĩnh vực hội họa, mở ra một không gian nghệ thuật lan toả truyền thống văn hóa và ý nghĩa của Phật giáo.
WITH Project đã tổ chức thành công AFTERGLOW - sự kiện đầu tiên của mùa hoạt động thứ 5 - với bốn hoạt động chính bao gồm: Hoạt động Tư vấn, Triển lãm Tương tác, WITHSchool Game và Hoạt động Thủ công: Làm đồ DIY mở rộng.
Lễ hội Sống khỏe năm 2024 được thiết kế theo mô hình “Lễ hội văn hóa”, tích hợp đa yếu tố “5 trong 1”, sở hữu nhiều hoạt động trong khuôn khổ các lĩnh vực: Y tế, văn hóa, thể thao, du lịch và giải trí.