Cô gái lương 7 triệu vẫn thuê được chung cư, có tiền tích lũy và biếu bố mẹ
Theo dõi MoliStar.com trên
Theo B. G, với mức lương 7 triệu đồng, một người trẻ vẫn có thể "sống tử tế" ở Hà Nội: Ở phòng trọ đàng hoàng, chi tiêu cơ bản, có tích lũy, có tiền biếu bố mẹ và thưởng cho mình vài món quà.
Từng chỉ nhận mức lương 2 triệu đồng năm 2022
Trong bối cảnh Hà Nội luôn giữ vị trí dẫn đầu với mốc điểm 100% về mức giá đắt đỏ nhất cả nước (theo báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian SCOLI), nhiều người trẻ phải nghĩ đủ mọi cách để tiết kiệm, cân đối chi tiêu.
Một số ý kiến cho rằng, muốn tiết kiệm thì phải vượt qua được tiêu chuẩn kép của bản thân. Một người không thể vừa muốn có tiền tiết kiệm, tích lũy, vừa muốn tiêu xài thoải mái, thỏa mãn các sở thích cá nhân trong khi lương chưa tới 10 triệu đồng.
Đồng tình với ý kiến trên, B. G (24 tuổi, hiện đang sống ở quận Cầu Giấy) cho rằng, với người trẻ, không phải không có cách để tiết kiệm.
Tốt nghiệp Đại học Thương mại đầu năm 2022, B.G từng chỉ nhận mức lương học việc 2 triệu đồng trong một công ty về xuất nhập khẩu. Khoảng thời gian ấy, tiền lương chỉ đủ thuê nhà trọ, cô gái trẻ vẫn phải xin tiền của bố mẹ ở quê. Nhiều ứng viên vào cùng thời điểm với G. dần bỏ cuộc vì lương không đủ sống, công việc áp lực.
Tuy nhiên, B. G vẫn cố bám trụ. Hai tháng sau, cô được nhận vào thử việc với mức lương 5 triệu đồng. Qua 2 tháng thử việc, cô mới trở thành nhân viên chính thức, lương cứng 7 triệu đồng.
Phải nỗ lực không ít để giành được vị trí nhân viên chính thức, nhận mức lương tăng hơn 3 lần so với ban đầu nên B. G hiểu việc kiếm tiền là không dễ dàng. Vậy nên, cô gái trẻ đã vạch ra cho mình một số nguyên tắc trong chi tiêu.
Cho rằng, không gian ở vô cùng quan trọng, là nơi để tái tạo năng lượng sau những giờ làm việc mệt nhọc nên B. G cùng bạn thuê một căn chung cư mini rộng khoảng 30m2 ở Cầu Giấy với giá thuê 3,4 triệu đồng.
Phòng ở có trang bị điều hòa, bình nóng lạnh. Giá thuê này chưa tính phí dịch vụ, điện, nước. Khu chung cư mini này có thang máy, khu giặt quần áo với máy giặt trên tầng 10, có bảo vệ 24/7 phụ trách an ninh.
"Ở cùng phòng tôi còn có hai bạn gái nữa. Nếu tính tổng các khoản thì trung bình mỗi người mất từ 1,5-2 triệu đồng/tháng tiền thuê chung cư vì giá điện khá cao, nhất là vào những tháng mùa hè khi dùng nhiều điều hòa", B. G chia sẻ.
Mỗi tháng, B.G dành khoảng 3 triệu đồng cho tiền ăn và các khoản chi tiêu khác. 2 triệu đồng còn lại trong tổng 7 triệu tiền lương, cô dành tích lũy, phòng ngừa rủi ro khi ốm đau, nghỉ việc thời gian dài.
Trung bình 3 tháng 2 lần, cô được bố mẹ hỗ trợ 1 thùng đồ ăn (giá trị khoảng 1 triệu đồng) trong đó có các thực phẩm như gà, vịt tự nuôi, cá, trứng. Hai người bạn ở cùng thi thoảng cũng nhận được quà quê từ gia đình nên tiền ăn uống cũng tiết kiệm được phần nào.
"Tôi luôn cân nhắc kĩ lưỡng trong việc mua sắm và chi tiêu, giảm bớt những cuộc hẹn không cần thiết và hạn chế ăn ngoài. Điều này thậm chí còn giúp tôi tiết kiệm hơn rất nhiều so với thời sinh viên", cô chia sẻ.
Với mức lương 7 triệu đồng, G. cắt giảm nhiều thú vui mà các bạn trẻ thời nay hay theo đuổi. Cô không du lịch, không gội đầu ngoài tiệm, hạn chế la cà quán xá, không nối mi, làm móng tay. Chiếc điện thoại cô dùng cũng chỉ có giá trên 5 triệu đồng chứ không chạy đua theo "trào lưu iphone" như nhiều người khác.
Trung bình theo quý, G. sẽ được thanh toán tiền hoa hồng, khoảng 3-5 triệu đồng/quý. Khoản tiền này, cô thường gửi về biếu bố mẹ ở quê hoặc cho vào tích lũy, ít khi chi tiêu cho cá nhân.
7 triệu đồng vẫn sống đàng hoàng
Thi thoảng, cô sẽ tự thưởng cho bản thân bằng các khoản công ty thưởng trong các dịp lễ, Tết. Vậy nên cô gái trẻ nhận thấy, với mức lương 7 triệu đồng, một người trẻ vẫn có thể "sống tử tế" ở Thủ đô: Ở phòng trọ đàng hoàng, chi tiêu cơ bản, có tích lũy, có tiền biếu gia đình và thi thoảng thưởng cho bản thân một vài món quà.
Trước câu hỏi, lương 10 triệu đồng có đủ sống ở Hà Nội, cô gái trẻ cho rằng, một người trẻ hoàn toàn có thể sống "ổn" với mức lương này. Tuy nhiên, xét về lâu dài, với mức độ chi tiêu và chi phí cuộc sống ngày càng nâng cao, để có thể bám trụ lâu dài, mỗi người phải biết tiết kiệm và quản lý đồng tiền hợp lý.
B. G cũng đồng tình với ý kiến cho rằng "tiêu tiền luôn là bản năng, tiết kiệm mới tạo nên bản lĩnh".
"Tiêu tiền là động lực của việc kiếm tiền. Tuy nhiên, việc tiêu tiền với mục đích gì, có hợp lý không luôn là một bài toán khó. Nếu ai cũng chỉ biết làm theo bản năng, tiêu tiền không suy nghĩ, thì kiếm được bao nhiêu cũng về lại con số không. Theo tôi, vừa hưởng thụ, vừa tiết kiệm chính là cách sử dụng đồng tiền đúng đắn và hợp lý nhất", G. chia sẻ.
Hiện tại ngoài tiếng Anh, cô gái trẻ đang học thêm tiếng Trung Quốc để tìm kiếm thêm cơ hội phát triển trong tương lai. "Tôi nghĩ khi còn độc thân, chưa vướng bận, người trẻ có nhiều cơ hội để học hỏi, phát triển bản thân. Nếu biết đầu tư cho bản thân bằng việc nâng cao kiến thức, chuyên môn thay vì chỉ mua sắm áo quần, mỹ phẩm, điện thoại đời mới thì một ngày mức lương của bạn chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số 7 hay 10 triệu đồng", B. G cho hay.
Những ngày qua, câu chuyện "lương 10 triệu đồng có đủ sống ở Hà Nội?" trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên nhiều diễn đàn.
Không chỉ riêng B. G, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, người trẻ cũng nên cố gắng tiết kiệm, nên nghĩ đến việc tiết kiệm trước khi chi tiêu.
Nguyễn Thục Anh (25 tuổi, Hoàng Mai) chia sẻ, nhiều người cho rằng khi lương thấp chưa tới 10 triệu đồng thì tiết kiệm vài đồng bạc lẻ cũng không có ích gì. Vì vậy họ không có động lực để tiết kiệm.
"Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong bất cứ trường hợp nào, chắt chiu cũng tốt hơn phung phí. Hơn nữa, khi lương thấp, việc tích lũy càng khó. Vậy nên, tiết kiệm lại càng cần thiết để phòng những trường hợp bất trắc", Thục Anh chia sẻ.
Triển lãm "Sáng đạo trong đời" quy tụ 51 tác phẩm độc đáo của 12 nghệ sĩ tài hoa trong lĩnh vực hội họa, mở ra một không gian nghệ thuật lan toả truyền thống văn hóa và ý nghĩa của Phật giáo.
WITH Project đã tổ chức thành công AFTERGLOW - sự kiện đầu tiên của mùa hoạt động thứ 5 - với bốn hoạt động chính bao gồm: Hoạt động Tư vấn, Triển lãm Tương tác, WITHSchool Game và Hoạt động Thủ công: Làm đồ DIY mở rộng.
Lễ hội Sống khỏe năm 2024 được thiết kế theo mô hình “Lễ hội văn hóa”, tích hợp đa yếu tố “5 trong 1”, sở hữu nhiều hoạt động trong khuôn khổ các lĩnh vực: Y tế, văn hóa, thể thao, du lịch và giải trí.