Ngày 27/9, TP.HCM khởi động triển khai thí điểm điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV từ xa (TelePrEP). Chương trình do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) tổ chức, có sự tài trợ của các tổ chức quốc tế.
Theo hệ thống báo cáo ca bệnh, trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố phát hiện 2.758 ca nhiễm HIV, trong đó có 996 người nhiễm có hộ khẩu thành phố, 1.762 người có hộ khẩu tỉnh thành khác. Trong đó tỷ lệ nam giới chiếm 92% trong tổng số ca nhiễm; 73% ca nhiễm thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM); 26% ca nhiễm có độ tuổi từ 22 tuổi trở xuống (trong độ tuổi sinh viên – học sinh), 62% ca nhiễm nằm trong độ tuổi từ 23-40 tuổi.
Trước tình hình dịch HIV có xu hướng tập trung trên nhóm MSM, ngành y tế thành phố thực hiện truyền thông thay đổi hành vi: giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS, tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, cung ứng bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn, điều trị ARV trong ngày; điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị hành vi về lệ thuộc các chất kích thích dạng Amphetamine, khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục…
Tại TP.HCM, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) được triển khai thí điểm đầu tiên vào tháng 3/2017 với sự tài trợ của PEPFAR thông qua Tổ chức USAID/PATH. Kết quả thí điểm đã cho thấy tính an toàn, hiệu quả, sự tiếp nhận và khả thi của việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV trên các nhóm MSM, chuyển giới và bạn tình bị nhiễm.