2 con nhiễm chất độc da cam: Ông bà lão miền Tây 'gần đất xa trời' tảo tần chăm sóc
Theo dõi MoliStar.com trên
Có hai người con nhiễm chất độc da cam, nhà không kế sinh nhai nhưng vợ chồng lão nông vẫn cố gắng bươn chải làm chỗ dựa cho các con và chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc.
Đến ấp Trường Thuận, xã Trường Long (H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) hỏi thăm, hầu như ai cũng biết hoàn cảnh bi đát của vợ chồng bà Trần Thị Hoàng và ông Nguyễn Ngọc Hiền (cùng 70 tuổi). Hai ông bà có hai người con trai là Nguyễn Thanh Sơn (43 tuổi) và anh Nguyễn Ngọc Khải (33 tuổi) nhưng cả 2 đều nhiễm chất độc da cam.
Làm tất cả những gì có thể để bù đắp thiệt thòi cho con
Chúng tôi đến nhà đúng lúc bà Hoàng cùng các thành viên trong gia đình đang ăn bữa cơm sáng. Mâm cơm gồm rau luộc, trứng chiên và vài con cá khô lặp lại như mọi ngày. Đặc biệt hơn khi hôm nay có thêm mớ nhãn xuồng hàng xóm mới cho. Anh Sơn và anh Khải thấy lạ nên đòi mẹ cho ăn ngay. Bà Hoàng vội bỏ dở chén cơm, tách vỏ nhãn lấy thịt mớm cho 2 con.
Bà Hoàng kể, hai vợ chồng đặt tên con là Sơn và Khải với mong muốn các con sau này trở thành cầu thủ bóng đá mà họ từng hâm mộ. Niềm hạnh phúc ngập tràn khi đứa con đầu lòng sinh ra với thể trạng lành lặn. Thế nhưng, anh Sơn lên 1 tuổi thì đổ bệnh nặng, 3 tuổi vẫn không có dấu hiệu tập nói, biết đi. “Nghĩ con chậm phát triển, chúng tôi cố gắng làm lụng, tích cóp tiền đưa đi chữa trị. Cuộc điều trị kéo dài, bao nhiêu tiền cũng hết nhưng không được tin vui mà nhận cú sốc đau lòng. Bác sĩ nói con bị nhiễm chất độc da cam, không thể cứu khỏi”, bà Hoàng nhớ lại.
Theo ông Hiền, các anh em trong dòng họ nội ngoại không ai gặp hoàn cảnh như ông. Vì vậy, 10 năm sau, ông bà quyết định sinh người con thứ 2 với nhiều kỳ vọng. Song, điều may mắn một lần nữa không mỉm cười với ông bà, mà trái lại cú sốc bồi thêm khi anh Khải còn mang số phận thiệt thòi hơn người anh trai của mình. Suốt cuộc đời, anh phải mang thêm chiếc lưng gù nặng nề và một cơ thể nhỏ thó, chân tay ốm yếu.
Vướng vào nghịch cảnh, vợ chồng bà Hoàng sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để bù đắp thiệt thòi cho các con. Vì vậy, từng nhận nhiều lời khuyên và đàm tiếu không tốt từ người ngoài, vợ chồng ông cứ gạt bỏ ngoài tai. Theo bà Hoàng, chăm sóc con cả ngày lẫn đêm vất vả nhưng cũng có nhiều niềm vui. Tuy khiếm khuyết, 2 người con khờ cũng có cách bày tỏ tình cảm rất dễ thương. “Sơn hay lấy tay vỗ vỗ mẹ rồi cười tít mắt, đặc biệt Khải khoái ôm mẹ khi ngủ lắm. Đối với người ta, các con có thể là gánh nặng nhưng chúng tôi xem con là cục vàng, là con cưng đó. Chăm sóc chúng rồi mến tay mến chân, đâu có nỡ để chúng sống xa mình”, bà Hoàng nói.
Cha mẹ ngày một già đi nhưng con mãi không lớn
Ở tuổi 70, vợ chồng bà Hoàng già yếu, tay chân chậm chạp, hay mỏi mệt. Bà Hoàng chạnh lòng cho biết chăm sóc con từ thuở tóc xanh giờ đã điểm bạc mà 2 con vẫn bé bỏng, mãi không chịu lớn lên. Hơn 30 tuổi rồi mà anh Sơn và anh Khải đều rất ngây thơ, hồn nhiên như những đứa trẻ. Mọi việc ăn uống, tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh đều không thể chủ động, phải cần có cha mẹ bên cạnh giúp đỡ.
Khoảng 5 năm nay, cuộc sống vợ chồng bà cùng 2 người con khờ rơi vào tình cảnh vô cùng túng thiếu, khó khăn. Sau hơn 40 năm ông Hiền làm phụ hồ kiếm tiền nuôi gia đình, năm 2017 ông đành mang khăn gối về quê bởi tuổi già, không công ty nào dám nhận vào làm công nhân nữa.
Hiện tại, ngoài chăm sóc các con, thỉnh thoảng bà Hoàng còn nhận lau dọn, giặt giũ quần áo thuê cho người trong chợ xã Trường Long. Tiền công dao động vài chục ngàn, bởi đa phần mọi người vừa trả vừa cho thêm để giúp cả gia đình. “Hôm nào vợ chồng tôi có việc bỏ nhà đi thì phải lấy dây buộc chân các con vào cột để chúng không chạy ra ngoài đường. Làm cha mẹ, điều đó khiến chúng tôi thương đứt ruột đứt gan nhưng không đi làm thì lấy gì mà ăn bây giờ”, bà Hoàng xót xa.
Trong căn nhà tình thương xuống cấp, mọi vật dụng hầu như đều do nhà hảo tâm tặng. Từ ngày đứa con đầu lòng phát bệnh, đến nay bà Hoàng không dám mua cho mình một bộ quần áo mới nào, 2 con cũng mặc lại đồ cũ được người khác cho. Tài sản đáng giá nhất của gia đình hiện có lẽ là bầy vịt ta 20 con mới bắt về khoảng 1 tháng nay. Vợ chồng bà Hoàng mong việc chăn nuôi sẽ thuận lợi vì có bao nhiêu vốn liếng thì đã đổ vào bầy vịt này.
Ông Lê Văn Tùng (hàng xóm) cho biết, rất cảm phục nghị lực của vợ chồng ông Hiền. Tuy 2 người con tính tình năng động, nhiều lúc bướng bỉnh nhưng ông bà vẫn rất mực yêu thương “Cuộc sống kham khổ nên ai kêu phụ giúp gì, khả năng làm được là ông bà nhận ngay để kiếm thêm thu nhập. Hàng xóm ai cũng đồng cảm và quý trọng tinh thần vươn lên của họ. Thỉnh thoảng, người cho đồ ăn, quần áo để chia sẻ sự thiếu thốn với gia đình”, ông Tùng nói.
Đơn chiếc nuôi con, điều lo sợ nhất của đôi vợ chồng lão nông này là vấn đề sức khỏe đang dần kém đi. Ông Hiền lại hay đau yếu, thường xuyên mua thuốc uống cho qua. Ông cho biết từng tuổi này, cứ đặt lưng xuống là mừng tượng đến đều không may xảy ra với mình, làm sao lo cho 2 người con khờ dại. Cứ như thế ông mất ngủ triền miên, tinh thần suy sụp. Khi được hỏi một mai già yếu không còn đủ sức nuôi 2 con thì phải xoay xở thế nào, vợ chồng bà Hoàng nhìn nhau bối rối vì chưa có câu trả lời…
WITH Project đã tổ chức thành công AFTERGLOW - sự kiện đầu tiên của mùa hoạt động thứ 5 - với bốn hoạt động chính bao gồm: Hoạt động Tư vấn, Triển lãm Tương tác, WITHSchool Game và Hoạt động Thủ công: Làm đồ DIY mở rộng.
Triển lãm "Sáng đạo trong đời" quy tụ 51 tác phẩm độc đáo của 12 nghệ sĩ tài hoa trong lĩnh vực hội họa, mở ra một không gian nghệ thuật lan toả truyền thống văn hóa và ý nghĩa của Phật giáo.
Lễ hội Sống khỏe năm 2024 được thiết kế theo mô hình “Lễ hội văn hóa”, tích hợp đa yếu tố “5 trong 1”, sở hữu nhiều hoạt động trong khuôn khổ các lĩnh vực: Y tế, văn hóa, thể thao, du lịch và giải trí.