Phim gia đình sắp lên sóng - "Hoa sữa về trong gió" gây chú ý với thông điệp: "Bà là nơi để về"
Theo dõi MoliStar.com trên
Chuyện phim xoay quanh gia đình bà Trúc, một cán bộ đã về hưu, có 2 người con là Hiếu và Thuận. Chồng bà Trúc mất sớm, một mình bà nuôi dạy, dựng vợ gả chồng cho 2 đứa con.
Bộ phim Hoa sữa về trong gió đã chính thức được giới thiệu tới khán giả vào chiều 21/8. Sự kiện ra mắt bộ phim có sự tham gia của đạo diễn Bùi Tiến Huy, dàn diễn viên với nhiều gương mặt nổi tiếng như NSƯT Thanh Quý, NSƯT Bá Anh, NSƯT Ngọc Quỳnh, Tú Oanh, Thanh Hương, Huyền Sâm…
Hoa sữa về trong gió mở ra một không gian mang chút hoài niệm, mang những buồn vui nhân thế len qua mọi ngõ phố, mọi nếp nhà. Bám theo câu chuyện một người mẹ, chồng mất sớm, ở vậy nuôi con cái trưởng thành giữa lòng thành phố, bộ phim xây dựng từng mối quan hệ, từng độ tuổi với những nỗi lòng riêng biệt, nhưng thân quen và đầy cảm xúc. Đặc biệt, trong trailer bộ phim còn gây chú ý với "triết lý" mới của cô cháu gái khi nói: "Người ta có câu, nhà là nơi để về nhưng với con Bà là nơi để về".
Từng là một cán bộ tổ chức, bà Trúc có sự tháo vát, sắc sảo trong các mối quan hệ. Lại từng là nàng dâu phố cổ, bà cũng hiểu về nếp sống, biết chăm chút vun vén cho con cái, nuôi dưỡng chúng trưởng thành ngay cả khi chồng mất sớm. Có tri thức, hiểu biết, lại có cả lí lẫn tình, có hi vọng thương yêu, có cả áp đặt cùng cố chấp, bà Trúc là một hình mẫu phụ nữ hiện đại, khá điển hình, nhưng lại không hề khuôn mẫu. Ở bà, có những “sai số” rất thú vị.
Trong khi thông thường các bà mẹ đều rất chiều chuộng thiên vị con trai, thì bà Trúc lại khác. Dù yêu thương nhưng bà lại có phần khắc khẩu với Hiếu, con trai lớn thành đạt; bà cũng lại khá nghiêm khắc với Thuận, con gái, chứ không phải kiểu ngọt ngào chiều chuộng. Đặc biệt bà lại thường đồng tình với con dâu, thậm chí đứng về phe con dâu trong cán cân phân xử với con ruột, và dành bao dung thấu hiểu bù đắp cho cháu gái… Những “sai số” đó, khiến bà Trúc trở nên khác biệt, và cũng thú vị hơn.
Nhưng ở bà, cũng là một mẫu số chung của một người mẹ Việt Nam, một người mẹ Hà Nội với bao nét tính cách thân quen. Đó là người phụ nữ chăm lo bữa ăn giấc ngủ từ con đến cháu, trọng danh dự, ghét mọi điều tiếng hướng về gia đình.
Đặc biệt, khát vọng và mong muốn của bà Trúc về một thứ “của để dành” dành cho con cháu, là một nỗi niềm chung của bao ông bố bà mẹ trên đời, điều tốt đẹp gì cũng dành hết cho con đã tạo nên mối đồng cảm lớn. Dẫu cho, chính vì mong muốn chính đáng đó, bà đã đẩy chính mình vào rắc rối…
Hiếu và Thuận là con trai, con gái của bà Trúc, đều đã trưởng thành và có mái ấm riêng, họ cũng trở thành phiên bản “cha mẹ”, đau đầu trong việc dạy dỗ và định hướng con cái, và có khi bối rối khi hôn nhân nảy sinh những vẫn đề.
Là con trưởng, Hiếu người có chuyên môn, có vị trí, có cơ hội thăng tiến, trọng thể diện và nguyên tắc. Hiếu từng khó chịu vì sự áp đặt và can thiệp quá sâu của mẹ, nhưng anh không hề nhận ra rằng, bản thân mình cũng như vậy, thậm chí còn hơn. Xuất phát điểm là sự lo âu muốn điều tốt nhất cho gia đình, con cái, nhưng sự áp đặt đã khiến Hiếu nới dần khoảng cách với con gái, thậm chí với cả mẹ và vợ. Hiếu áp đặt Trang, con gái phải làm một công việc mà anh xếp đặt, không quan tâm đến mong muốn và sở thích của con. Anh cũng phản đối, khi Trang yêu một người mà anh cho là không phù hợp. Khi vợ lựa chọn một hình thức kinh doanh online không như Hiếu mong muốn, mâu thuẫn giữa họ cũng phát sinh. Chính vì trọng sĩ diện, trọng ổn định, trọng hình thức, Hiếu đã áp đặt và đẩy những người phụ nữ quanh mình về bên kia chiến tuyến.
Thuận, con gái bà Trúc thì lại là tuýp phụ nữ có phần an phận, luôn nỗ lực lo lắng chu toàn mọi việc cho chồng, cho con, cho công việc mà đôi khi quên mất giành thời gian cho chính mình. Sự chăm lo có phần thái quá của cô khiến mối quan hệ vợ chồng nhiều lúc ngột ngạt, mối quan hệ mẹ con thiếu sự thấu hiểu. Đặc biệt, Thuận lại người mẹ theo đuổi chương trình nuôi dạy con trở nên hoàn hảo. Chính sự yêu thương và kì vọng quá lớn của Thuận đã làm nên một áp lực đè xuống Phương, cô con gái, khiến Phương có lúc suy sụp muốn bỏ nhà đi. Cũng vậy, Thuận khiến Khang không dễ tâm sự về những khó khăn anh gặp phải trong công việc, làm hai vợ chồng càng kéo giãn khoảng cách, thậm chí khiến Thuận hiểu lầm rằng Khang ngoại tình.
Cả bà Trúc, Hiếu, Thuận, đều xuất phát điểm từ sự yêu thương và muốn điều tốt nhất cho gia đình, thế nhưng không phải lúc nào cách thức họ thực hiện cũng đúng, khiến mối quan hệ trở nên phức tạp và xa cách. Thế nhưng, sau mọi biến cố, họ đều nhận ra vấn đề và điều chỉnh lại mình, và vì chung một mái nhà, thế nên, thương yêu vẫn hướng về nhau, lo toan và chia sẻ đùm bọc với nhau. Chính gia đình, trong những thăng trầm gian khó nhất, đã khiến mỗi người đều thay đổi và trưởng thành.
Hoa sữa về trong gió được xây dựng từ đội ngũ sáng tạo nội dung giàu vốn sống về Hà Nội, và được cầm trịch bởi đạo diễn Bùi Tiến Huy, từng được yêu mến qua những bộ phim giàu cảm xúc như Cả một đời ân oán, Thương ngày nắng về… Đặc biệt, bộ phim còn là sự tái ngộ của dàn diễn viên thực lực và được yêu mến như NSƯT Thanh Quý, NSND Tiến Đạt, NSƯT Bá Anh, NSƯT Ngọc Quỳnh, Thanh Hương. Sau “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, một lần nữa, Thanh Quý lại trở thành mẹ chồng của Thanh Hương, và thay vì là chị em như trong “Thương ngày nắng về”, lần này Thanh Quý và Bá Anh lại vào vai “mẹ con” đầy thú vị… Bộ phim cũng ghi nhận lần đầu thử sức trong lĩnh vực diễn xuất của Võ Hoài Anh, con gái của NS ƯT Võ Hoài Nam, cùng nhiều gương mặt trẻ khác hứa hẹn mang đến những làn gió mới cho khán giả truyền hình.
Hoa sữa về trong gió sẽ lên sóng từ ngày 28/8/2024 lúc 21h00 thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV1.
Chiều 12/11, bộ phim "Không thời gian" đã có buổi họp báo ra mắt tại Hà Nội. Đây là dự án đặc biệt được Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam sản xuất.
“Tiểu tam không có lỗi?” chạm mốc 20 triệu lượt xem trên các nền tảng, Quốc Huy nói về cảnh thân mật với bạn diễn, Văn Anh khó khăn khi diễn vai người của công chúng.