Suốt nhiều năm qua, hình ảnh cụ Phong cần mẫn đi bắc cầu, làm lộ đã quen thuộc với người dân địa phương và các vùng lân cận như Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, thậm chí đến tận TP.Vị Thanh (Hậu Giang).
Dưới cái nắng chang chang, cụ Phong cùng 2 người bạn lão niên vẫn cặm cụi nấu nhựa, rải đá làm lộ. Hiện cụ ở cùng vợ chồng người con trai út, hằng tháng cụ được con gửi tiền tiêu xài, mua thuốc thang nhưng luôn để dành tiền đi làm những việc thiện nguyện.
Cụ Phong kể, cụ xuất thân là con nhà nông nên suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Nhờ chịu khó làm lụng nên cuộc sống gia đình đủ ăn. Ban đầu, nhận thấy việc di chuyển của bà con gặp nhiều khó khăn, trắc trở nên cụ quyết định đốn cây bạch đàn làm khung cầu, rồi đốn tre, bắc ván làm thành những chiếc cầu nhỏ bắc qua kênh rạch trong xóm ấp. Cụ còn vá lại những đoạn đường xấu, hoặc làm những con đường mới để bà con đi lại dễ dàng và an toàn.
Thấy việc làm ý nghĩa của cụ, 2 người bạn của cụ tuổi ngoài 70, ngụ cùng địa phương cũng tình nguyện chung tay những công việc nặng nhọc. Cứ hễ nghe có người báo có đoạn đường hư, cây cầu nào hỏng là 3 cụ lập tức tìm đến tận nơi để sửa.
Cụ Nguyễn Văn Suổi (73 tuổi) cho biết: “Tôi gắn bó với công việc làm đường cùng ông Phong đã hơn 10 năm. Lúc trước thấy ổng lớn tuổi rồi, suốt ngày miệt mài đi làm đường, khiêng từng bao đá thấy ngưỡng mộ lắm. Rồi từ đó tôi xin tham gia, phụ việc và thấy rất hạnh phúc khi bà con đi trên những tuyến đường, cây cầu do chính tay mình góp công”.
Với số tiền hằng tháng vài triệu đồng của con cái cho, cụ Phong trích ra mua vật liệu. Ngoài ra, cụ còn vận động bà con địa phương gom góp mỗi người một ít để làm nên những con đường đẹp, bắc cầu nối nhịp để thuận tiện đi lại.
Bà Đặng Thị Hoa (55 tuổi) cho biết: “Nhiều đoạn đường trong xóm nhờ cụ Phong mà đẹp đẽ, sạch sẽ. Bà con thấy cụ tự bỏ tiền túi để làm, người này vận động người kia phụ vô nên đường sá hoàn thiện đẹp đẽ hơn. Thấy cụ dãi nắng dầm mưa lo chuyện xã hội, mặc dù tuổi đã cao khiến tôi vô cùng nể phục”.