Cô học trò mắc màn trong nhà tắm bắt sóng ôn thi, chạm ước mơ đại học
Theo dõi MoliStar.com trên
Một mình người mẹ nuôi Lập lớn khôn trong sự thiếu thốn đủ bề. Gần nửa năm vào nhà tắm để bắt sóng điện thoại 4G ôn thi, em xuất sắc đậu đại học. Ngày nhận tin vui, hai mẹ con rưng rưng nước mắt.
Nữ sinh Trần Thị Đức Lập (18 tuổi, trú tổ dân phố Khe Thờ, thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) dáng người nhỏ nhắn, cao 1,42m, nặng chưa tới 40kg nhưng giàu nghị lực. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, em đạt 27 điểm, trúng tuyển ngành sư phạm tiểu học Trường đại học Vinh (Nghệ An).
Thương con, bà Trần Thị Công (59 tuổi) - mẹ Lập - chỉ mong có một phép màu, để đứa trẻ ham học có thể viết tiếp ước mơ.
Hai mẹ con chung ước mơ
Hai mẹ con Lập sống trong căn nhà cấp 4 lụp xụp ngay dưới chân núi, trong nhà chẳng có thứ tài sản nào đáng giá. Năm 2003, bà Công sinh Lập, chọn làm mẹ đơn thân.
Thiếu vắng người cha, người chồng trong nhà, hai mẹ con côi cút nương tựa nhau mà sống. Bữa rau bữa cháo, trải qua nhiều buồn vui, đắng cay cùng nhau. Những lần đau ốm, không có tiền bà vay mượn khắp nơi gần 20 triệu đồng để chữa bệnh, đến nay vẫn chưa trả nổi.
Dù khó khăn, thiếu thốn đủ bề, 12 năm học Lập đều đạt học sinh tiên tiến - học sinh giỏi. Từ năm lớp 6, em đã mơ ước trở thành cô giáo, nhưng nhìn mẹ vất vả, nhà nghèo biết không có tiền lo cho 4 năm đại học, em giấu ước mơ vào lòng, xác định đi làm thuê lo cho mẹ.
Hết kỳ 1 năm lớp 12, cô giáo chủ nhiệm khá bất ngờ khi biết Lập không đăng ký xét tuyển đại học, nên hỏi chuyện.
"Mình nói với cô giáo muốn lên đại học nhưng hoàn cảnh gia đình không cho phép nên không đăng ký. Cô động viên cứ đăng ký để thử sức bản thân. Rồi cô về nhà, xin mẹ cho mình dự thi và đăng ký xét tuyển đại học", Lập kể.
"Mấy đêm tôi nằm nghĩ, sức khỏe Lập yếu, để con đi làm thuê tôi không đành lòng. Ngày con nói muốn làm cô giáo, tôi bật khóc, bởi đó cũng là ước mơ hồi còn trẻ của tôi.
Tôi tự nhủ bản thân không được dập tắt ước mơ ấy. Đời tôi không thực hiện được, giờ phải để cho con toại nguyện", bà Công tâm sự.
Từ hôm đó, bà Công luôn bên cạnh động viên con ôn thi. Lập chăm chỉ mỗi ngày ngoài giờ học ở trường về nhà em còn học tới 2, 3h sáng.
Góc học tập của Lập rất đơn sơ, lấy bàn ghế bằng nhựa cũ hai mẹ con ngồi ăn cơm hằng ngày đặt sát vách tường loang lổ làm chỗ ngồi. Trên bàn vỏn vẹn chiếc đèn học và mấy quyển sách.
Những lần ngồi học khuya đau lưng, em phải đứng dậy đi lại mấy vòng mới có thể học tiếp. Năm cuối cấp phải học trực tuyến, bà Công dùng toàn bộ tiền dành dụm được mua cho con chiếc điện thoại thông minh.
Không có điều kiện lắp mạng Internet, nhà nằm cạnh núi nên ngồi trong nhà không có mạng 4G để học bài. Nhà không có mái che, mấy lần em ra sân học bài, sương đêm làm ướt hết sách vở.
Lập chỉ còn cách cầm điện thoại mang ghế, sách vở ra nhà tắm cách nhà gần 5m ôn thi. Ngồi trong nhà tắm, mạng khỏe nhưng lắm muỗi, đêm nào em cũng phải mắc màn.
Gửi mẹ để an tâm đến trường
Sức khỏe con gái yếu, nên mỗi lần con học bài khuya, bà Công đều không dám ngủ. Có hôm bà ra động viên, hôm thì nấu cho con bát cháo ăn cho đỡ đói.
Ngày nhận kết quả xét tuyển vào đại học, cả hai mẹ con rơi nước mắt vì hạnh phúc. Không có tiền, bà đem bán tài sản còn lại là hàng cây keo trong vườn được gần 3 triệu đồng, đem cho con gái nhập học.
Số tiền còn lại Lập đem về, bà nhẩm tính rồi thở dài vì không còn đủ mua cho con bộ áo quần mới. Đưa mắt lướt qua căn nhà, chẳng còn thứ gì ngoài hai chú chó nhỏ. Bà không đành lòng bán, để lại giữ nhà, làm bạn với mình khi con đi học xa.
Trước ngày đi học, Lập gấp vài bộ quần áo cũ, vài quyển sách, hy vọng sẽ học thật giỏi, tốt nghiệp có việc làm để báo hiếu mẹ. Ngoài ra em còn dự định sẽ vừa học vừa làm thêm để có thêm chút tiền trang trải cuộc sống.
"Miss Cosmo 2024" với sự góp mặt của các người đẹp đến từ hơn 70 quốc gia và đồng hành cùng cuộc thi trong vai trò healthcare director là bác sĩ Bích Na.