Tiểu Sử

Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy sinh năm 1975, sinh ra và lớn lên tại xã An Xuyên, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Gia đình anh không có ai làm nghệ thuật, hai bên nội ngoại đều có trại cá là nghề truyền thống. 

Khi bắt đầu nhận biết được mọi việc xung quanh một cách rõ ràng hơn, Nguyễn Nhất Huy đã nhận thức được ông nội, ông ngoại đều là những cán bộ cách mạng lão thành, suốt đời đi chiến đấu. Tuy vậy, bà nội, bà ngoại ở nhà vẫn gầy dựng được cơ ngơi sản xuất đồ sộ của gia đình. 

Khi ông bà lớn tuổi, kỹ thuật và trại cá được chuyển giao lại cho thế hệ ba mẹ anh. Ông ngoại của nam nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy nguyên là cán bộ Trung ương Cục Miền Nam, sau khi đưa cả gia đình anh lên thành phố định cư thì lập trại cá ở phường 15, Q. Tân Bình. Mãi cho đến khi đất ở Sài Gòn chuyển giao mở rộng đất thổ cư, ao cá không còn thì gia đình anh chuyển xuống Đồng Nai, Bình Dương sinh sống và lập lại trại.

“Gia tài” lớn nhất ở nhà của nhạc sĩ là hai anh em, cô em phận gái phải theo chồng, chỉ còn mình anh là niềm kỳ vọng cho nghề truyền thống ở thế hệ kế tiếp, chính vì vậy gia đình chỉ muốn anh làm những nghề như bao người “bình thường”. Nếu không là kinh doanh thì cũng là kỹ sư, bác sĩ.

Nhưng học thì cứ học, bằng cấp cứ đầy những con số, còn trái tim anh lại chỉ nhung nhớ đến âm nhạc. Anh tận dụng những lúc rảnh rỗi để “bay” theo tiếng gọi của thứ âm thanh huyền diệu tiềm ẩn trong những ước mơ. Sáng tác đầu tay của anh là ca khúc "Mãi là niềm đau", chàng thanh niên năm ấy Nguyễn Nhất Huy viết khi ngồi bên ao cá, vốn là khu nghĩa địa hoang vắng trong một buổi chiều buồn. Buồn vì một mối tình vừa chia xa, cảm xúc dâng trào thế là anh đưa vào bài hát.

Dẫu nỗi buồn chẳng vơi đi nhưng anh nghe như lòng mình dịu lại, bớt tái tê. Từ đó, anh coi âm nhạc như một liệu pháp, cứ nhói trong tim là cầm đàn lên, vậy là hàng loạt những ca khúc đình đám cứ thế ra đời: "Yêu trong niềm đau, Tình vẫn chưa yên, Tiễn đưa, Nụ hồng hờ hững, Đêm cô đơn, Bến vắng, Em quên mùa đông, Nhớ nhau, Tình hoàng hôn, Đừng níu cánh chim bay,..."

Chẳng thế mà bạn bè thường gọi đùa anh là nhạc sĩ... thất tình! Rồi một hôm, người nghe chợt biết đến một Nguyễn Nhất Huy thật khác, thật lạ với "Thương nhớ người dưng" mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, vừa ra mắt đã “đậu” ngay vào Top ten Làn sóng xanh năm 2000 (với giọng hát Cẩm Ly).

Được thể, anh cho ra hàng loạt các bài hát cùng chung thể loại như "Mây chiều, Mẹ quê, Người đã sang sông, Còn mãi lời ru... " cũng mau chóng được công chúng đón nhận. Những tác phẩm ấy mang chất mượt mà, trữ tình, thoảng mùi lúa cỏ của đồng bằng sông Cửu Long. Người nghe thì lấy làm lạ nhưng với anh thì chẳng có gì là “ghê gớm”. Từ khi lọt lòng anh đã được nghe tiếng hát ru của bà nội, của ba. Riêng mẹ anh thích tân nhạc nhưng ba anh lại là giọng ca cải lương tài tử có tiếng trong xóm nên cứ mỗi lần trời mưa, đưa võng con, ông lại ca sáu câu mùi mẫn, khiến đến bây giờ anh vẫn còn ghiền.

Vì thế, những bài hát mang âm hưởng dân ca này được anh sáng tác trước đó rất lâu nhưng vì thị trường lúc ấy chưa chịu nên đành cất giữ mãi đến tận lúc "chín muồi". Đến khi tên tuổi Nguyễn Nhất Huy được công chúng biết tiếng thì anh tung ra và tất cả sản phẩm mà nhạc sĩ ấp ủ, may mắn thay là mọi ca khúc đều “đứng” được.

Đến nay, nhìn lại, anh đã có “sương sương” trên 150 ca khúc với khá nhiều giải thưởng, trong đó phải đặc biệt kể đến 12 ca khúc đã liên tục lọt vào top ten Làn sóng xanh từ năm 2000 đến hiện tại. Điểm qua những giọng ca “thời thượng” từng hát ca khúc của anh như: Cẩm Ly, Phương Thanh, Đan Trường, Lam Trường, Mỹ Tâm, Quang Dũng, Thanh Thảo, Đàm Vĩnh Hưng.

Mười hai ca khúc này có mặt trong album Người về cuối phố (hay còn có tên The best of Nguyễn Nhất Huy) với những giọng ca top ten Làn sóng xanh. Còn về những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, anh cũng đã tập hợp làm một album hòa tấu phối hợp giữa các nhạc cụ Tây phương và dân tộc, sẽ ra mắt vào trung tuần tháng 8-2006 tới đây.

Bên cạnh những giải thưởng Làn sóng xanh, giải thưởng VTV – Bài hát tôi yêu 2005 với ca khúc Tình hoàng hôn (do Hội đồng Nghệ thuật chọn trao cho tác giả ca khúc) là một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời anh.

Dấu ấn không phải vì sự xuất sắc của ca khúc mà vì nhờ giải thưởng này, anh đã gặp Lê Kiều Như, “người ấy” của anh hiện nay. Số là Ban Tổ chức VTV – Bài hát tôi yêu 2005 có một buổi liên hoan dành cho những người đoạt giải. Lê Kiều Như nằm trong số những ca sĩ được khán giả bình chọn với bài hát "Anh" của nhạc sĩ Trần Huân.

Người dự tiệc rất đông nhưng không hiểu sao, anh lại chú ý đến cô gái có mái tóc dài chấm eo lạ hoắc! Anh mạnh dạn đến xin số điện thoại, còn cô, khi thấy anh cũng giật mình vì đây là người mà mình ngưỡng mộ đã lâu nhưng không dám tiếp cận vì nghe đồn là "tình trường" của anh dày dặn lắm.

Vậy mà quen rồi mới hay, Lê Kiều Như không phải là “tay mơ” như chàng nhạc sĩ mộng mơ nghĩ. Ở quê nhà Cần Thơ, cô từng được biết đến với nhiều giải thưởng trong các cuộc Liên hoan Giọng hát hay cấp tỉnh, Liên hoan Tiếng hát Hoa phượng đỏ. Đến khi lên Sài Gòn, cô sinh hoạt CLB thời trang ở Nhà Văn hóa Thanh niên và là người mẫu quảng cáo cho hãng Panasonic. Cô muốn xin anh bài để hát và anh phát hiện cô có chất giọng lạ, không hợp với dòng nhạc hip hop. Thế là chàng nhạc sĩ quyết tâm định hướng lại. 

Ban đầu cả hai xem nhau như là một đối tác mới trong làm ăn nhưng chỉ một thời gian ngắn, mái tóc dài mượt mà cùng với sự chân tình, dịu dàng trong cách sống, đặc biệt, tài nấu ăn rất khéo của Lê Kiều Như đã làm cho vị trí đôi bên chuyển dịch. Anh muốn làm một manager cho cô không chỉ trong công việc mà còn trong cả cuộc đời. 

Trước khi đoạt giải VTV – Bài hát tôi yêu 2005, Nguyễn Nhất Huy đã định không làm âm nhạc nữa để chuyển sang kinh doanh theo nghiệp của gia đình. Nhưng vì gặp Lê Kiều Như, kế hoạch của anh bỗng bị... phá sản. Nhìn lại mình, anh thấy âm nhạc như một định mệnh khó cưỡng. Trước đây, anh chỉ định dạo chơi với những ca khúc viết lúc rảnh rỗi nhưng rồi bị guồng máy thị trường cuốn vào lúc nào không hay.

Từ chỗ viết để giải tỏa nỗi buồn, sản phẩm của anh được đặt hàng, những ca khúc trở thành “của để bán”. Thì thôi, ai mua thì bán. Vài năm nay, anh có hẳn một “Nguyễn Nhất Huy Production”. Kể từ khi số phận cho gặp Lê Kiều Như, anh bắt đầu sản xuất nhạc của người khác. Bởi lẽ, album Nửa hồn thương đau vừa phát hành, anh đã làm cốt để khẳng định hướng đi cho người yêu – một chất giọng có vẻ phù hợp với dòng nhạc bán cổ điển hơn là nhạc trẻ.

Đây có lẽ chính là thử thách mới đối với Nguyễn Nhất Huy trong khoảng thời gian ấy. Lê Kiều Như sở hữu chất giọng không giống chất giọng của các ca sĩ thị trường khác để có thể hát những ca khúc như anh đã từng viết, thế là anh cũng phải thay đổi phong cách. Thay đổi như thế nào thì khán giả nên tìm nghe album của Nguyễn Nhất Huy với giọng ca Lê Kiều Như được phát hành (khoảng cuối năm 2006).

Cuộc sống của Nguyễn Nhất Huy từ ngày gặp "vợ tương lai" tất bật hơn xưa rất nhiều, anh không muốn dừng lại thế mạnh ở giọng ca, Lê Kiều Như của anh còn phải trở thành một gương mặt của phim ảnh, truyền hình, quảng cáo... Anh đã vạch ra con đường cho cô như vậy.

Nguyễn Nhất Huy cho rằng nhân duyên là một điều... khó hiểu. Nó đến, ở lại hay đi nằm trong một quy luật nào đó mà có khi con người không biết được vì sao. Anh chỉ biết rằng anh đang được Lê Kiều Như đánh thức những tiềm năng. Anh thấy như mình đang có thêm sức mạnh để vượt qua những thử thách mới, với những dự định mới...

Hiện tại, nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy đang chung sống hạnh phúc cùng vợ và cô con gái xinh xắn. Cả 2 dù đã yêu và bên nhau tận 15 cái Valentine nhưng khi nhìn vào gia đình của nam nhạc sĩ, hẳn là ai cũng phải cảm thấy ghen tỵ. 

Sự nghiệp

Hiện tại, ngoài công việc cá nhân của anh và vợ, nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy còn chịu trách nhiệm sản xuất nội dung cho kênh youtube Art TV với hơn 1,67 triệu lượt người đăng ký cùng nhiều hoạt động nghệ thuật khác. 

Trở thành hội viên Hội Âm nhạc TP. HCM, nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy bắt đầu hoạt động sáng tác chuyên nghiệp. Sản phẩm của người nhạc sĩ sinh năm 1975 này vô cùng đa dạng và phong phú. Anh có thể sáng tác những bài tình ca trẻ trung sôi động, những câu từ da diết, thậm chí cả nhạc miền tây quê hương. 

Sản phẩm âm nhạc tiêu biểu: 

  • Người về cuối phố
  • Tình mẹ
  • Nghĩ về cha
  • Người thầy
  • Yêu trong niềm đau
  • Những ngày nắng lên
  • Chào nhau lần cuối
  • Cuộc tình mong manh
  • Đừng hỏi vì sao
  • Bên em chiều Sài Gòn
  • Hát cho một dòng sông
  • Buồn như thông xanh
  • Đêm cô đơn
  • Mưa buồn thật buồn
  • Bến vắng
  • Khi lá vàng rơi
  • Chỉ còn kỷ niệm 
  • Nụ hồng hờ hững
  • Thứ ba học trò
  • Mẹ quê

Giải thưởng: 

  • Nhạc sĩ yêu thích nhất làn sóng xanh 2000;
  • Nhạc sĩ có ca khúc yêu thích nhất LSX 2001- 2002;
  • Giải A Sài Gòn tình ca 2002 của HTV, ca khúc "Bên em chiều Sài Gòn";
  • Ca khúc "Bến vắng" do ca sĩ Cẩm Ly trình bày đọat giải Mai Vàng báo Người Lao Động 2002
  • Giải thưởng VTV – Bài hát tôi yêu 2005 với ca khúc Tình hoàng hôn