Saigon Square sau đợt 'truy quét' hàng nhái, giả: Đóng cửa, trùm bạt bán nhỏ giọt
Theo dõi MoliStar.com trên
Ngày 25.11, chúng tôi quay trở lại Saigon Square (Q.1, TP.HCM) sau hơn 3 tuần Tổng cục Quản lý thị trường, dẫn đầu là Tổng cục trưởng, bất ngờ đột kích, kiểm tra 6 điểm kinh doanh tại trung tâm thương mại này.
“Nín thở chờ qua ải”
Đa số các quầy sạp bán hàng áo quần may trong nước, giày dép trong nước, hàng lưu niệm, trang sức… đều mở cửa đón khách mua sắm bình thường. Khách vào trung tâm mua sắm có cả người nước ngoài lẫn trong nước. Trong khi đó, nhiều quầy sạp từng trưng bày lượng lớn hàng hóa là túi xách, ví, dây nịt, giày dép, đồng hồ… gắn với những thương hiệu nổi tiếng thế giới, được lực lượng quản lý thị trường (QLTT) xác định là hàng nhái, giả… cách đây hơn 3 tuần, nay đang quây bạt kín bịt bùng, tạm ngưng bán hàng. Một số quầy chuyên bán ví, bóp da dành cho nam cũng được dỡ hết, không còn dấu hiệu hoạt động.
Tuy nhiên, quan sát cho thấy có khoảng 4 quầy chuyên bán túi xách giả các thương hiệu lớn như Gucci, Chanel, LV… ở tầng trệt phía trái tòa nhà vẫn còn mở cửa “he hé” đón khách. Các quầy hàng ở vị trí góc có 2 mặt tiền thì một phía được kéo cửa xếp kín mít, phía còn lại người bán đứng ngay cửa. Khách hỏi mua túi gì, hiệu gì, chỉ cần nói, người bán nghiêng người cho khách vào xem hàng, tiện tay kéo cửa lại. Đặc biệt, một dãy khoảng 5 - 7 sạp sát tường đối diện cửa ra vào Saigon Square, trước đây chuyên bày bán đồ thể thao các thương hiệu Puma, Adidas, Nike… nay kéo kín cửa, khóa bên ngoài nhưng bên trong điện vẫn bật sáng, thỉnh thoảng có người quen đi ngang hỏi thông tin về hàng hóa, bên trong vẫn có tiếng trả lời.
Đáng lưu ý, ngay lối vào trung tâm thương mại, các tủ kính chuyên trưng bày kính mát, gọng kính cận của những thương hiệu nổi tiếng thế giới, giá bán từ vài triệu đồng trở lên nay chỉ có vài ba gọng kính cận không nhãn mác, giá bán từ 100.000 - 300.000 đồng/cái. Tương tự, trong những chiếc tủ kính chuyên trưng bày, bán đồng hồ hiệu nay chỉ bán… dây da đồng hồ đủ kích cỡ. Giá bán từ 80.000 - 160.000 đồng/cặp dây da, hàng trong nước.
Người đàn ông trung niên, ngồi sau tủ kính nay chỉ có lèo tèo vài chục chiếc đồng hồ nhựa đủ màu sắc của trẻ con lắc đầu khi được hỏi có bán đồng hồ người lớn không. Nhìn khách hỏi mua từ đầu đến chân vẻ dò xét, ông nói: “Tạm ngưng không có hàng”. Khách hỏi khi nào có hàng về? Người bán nói nhát gừng: “Nín thở chờ qua ải đi”. Hỏi “ải” nào thì người đàn ông không nói tiếp, quay đầu như muốn kết thúc câu chuyện. Sau đó, một số người bán hàng giải thích, thời gian này đa số các quầy sạp không muốn đưa hàng ra trung tâm bán, sợ QLTT “quét” tịch thu hết hàng.
Một phụ nữ trẻ đang ngồi trong quầy sạp chuyên bán mắt kính nhái hàng hiệu, các kệ và tủ đều trống trơn hàng hóa, trả lời gay gắt: “Không trưng bày nhiều làm gì, họ (ý nói lực lượng QLTT - NV) vào thấy kiểm tra tịch thu mất hàng hết rồi. Trưng lên bán được hàng đâu chưa thấy, mất hết, lỗ “sặc máu””. Nói đoạn, bà nhìn sang quầy đối diện chuyên bán giày dép nhái hàng hiệu, cũng đang “đóng cửa đón khách” nói bâng quơ: “Năm nay không thấy mùa xuân về”.
Không chỉ “quét” hàng giả, phải bảo vệ hàng nội địa
Ngày 1.11, Tổng cục QLTT, dẫn đầu là Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh, chia làm 6 tổ công tác bất ngờ “đột kích” kiểm tra 6 điểm kinh doanh tại Saigon Square, khiến tiểu thương “trở tay không kịp”. Qua kiểm tra, lực lượng QLTT đã thu giữ hơn 2.000 sản phẩm. Liên tục các ngày sau đó, QLTT tiếp tục kiểm tra, rất nhiều quầy sạp trong trung tâm này đóng cửa không bán hàng. Saigon Square vốn được mệnh danh là “thiên đường mua sắm” cho những khách yêu thích hàng hiệu… nhái, giả.
Đáng nói, khách du lịch quốc tế đến TP.HCM có nhu cầu mua sắm thường được “truyền miệng” địa điểm này và lấy làm thích thú khi được mua hàng nhái ngay trung tâm TP.HCM với giá quá mềm.
Sau nhiều ngày kiểm tra, thông tin từ Tổng cục QLTT, lực lượng chức năng thu giữ gần 2.000 sản phẩm túi xách, ví, giày dép là hàng nhái, giả các thương hiệu nổi tiếng thế giới, được bày bán tại “thiên đường hàng nhái” Saigon Square… Mới đây, Cục QLTT TP.HCM cũng ra quân kiểm tra đồng loạt các quầy sạp hàng đồng hồ, mắt kính, túi xách… tại Trung tâm thương mại An Đông, Q.5 (chợ An Đông), cửa hàng bán đồ hiệu tại Q.10... Lực lượng QLTT TP.HCM đã thu giữ hàng ngàn đồng hồ đeo tay có dấu hiệu giả mạo những nhãn hiệu đang được bảo hộ tại VN như Rolex, Chanel, Gucci; hàng ngàn sản phẩm giày dép, túi xách, dây nịt, mỹ phẩm… không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả các nhãn hiệu Hermes, Louis Vuitton, Burberry, Versace, Adidas, Chanel, Gucci, Dior… Toàn bộ số hàng hóa này đang được QLTT tạm giữ để tiếp tục xác minh.
Trưa 25.11, khảo sát của PV Thanh Niên tại chợ An Đông cho thấy, hoạt động mua bán tại chợ diễn ra khá vắng lặng. Khách vào chợ mua hàng thưa thớt tuy là ngày Black Friday, cuối tuần. Những quầy sạp chuyên bán túi xách, vali… nhái thương hiệu nổi tiếng hầu như chỉ bán một số sản phẩm không nhãn mác, hàng chủ yếu từ Trung Quốc, VN. Cũng như thời gian sau đại dịch, rất nhiều quầy sạp ở đây đã được đóng, ngưng bán và rao cho thuê lại. Tại tầng 2 chuyên kinh doanh hàng áo quần, đa số là hàng thời trang trong nước, một số có xen bán hàng từ Trung Quốc về, giá khá thấp. Chẳng hạn, một chiếc đầm vải linen của công ty trong nước may, thêu có giá bán lẻ 450.000 - 550.000 đồng; tại quầy bán đầm linen từ Trung Quốc về, người bán giới thiệu rõ ràng là hàng Quảng Châu, chất liệu thua hàng trong nước, có giá 400.000 đồng/cái.
Một chủ cửa hàng bán mắt kính thời trang tại chợ An Đông (đề nghị không nêu tên) cho biết, việc kiểm tra hàng giả, hàng không hóa đơn chứng từ vẫn được lực lượng chức năng thực hiện theo đợt thường xuyên, đặc biệt thời điểm gần tết… Nhưng bà thừa nhận, sạp nào bị phạt, thu giữ hàng hóa, sạp nào không bị kiểm tra… chỉ là vấn đề… hên xui. Bởi trong thực tế, sau khi lực lượng QLTT “kéo quân” đi, vài ngày sau, hàng không hóa đơn, không rõ nguồn gốc, nhái, giả… lại tiếp tục được bán như thường.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn T.T - chủ 2 sạp kinh doanh thời trang tuổi trung niên tại chợ An Đông, đồng thời là chủ Cơ sở may mặc Đ.T (Q.8, TP.HCM), nhận xét: Thực tế, những cuộc kiểm tra của lực lượng QLTT đối với hàng giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng mới chỉ là một phần nhỏ trong bảo vệ người tiêu dùng, chống vi phạm sở hữu trí tuệ. Muốn bảo vệ người tiêu dùng trong nước, giúp thị trường hoạt động lành mạnh hơn, giúp doanh nghiệp sản xuất trong nước cạnh tranh một cách công bằng với hàng nước ngoài, phải ngăn chặn hàng tiểu ngạch gắn mác hàng cao cấp vẫn đổ về các chợ thời trang, hàng giá rẻ, gây lũng đoạn thị trường trong nước lâu nay.
Bà T.T phân tích: “Hàng may mặc trong nước tự thiết kế đang bị cạnh tranh dữ dội bởi hàng giả mạo, không chất lượng từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch đổ về. Nếu “chặn” được hàng thời trang trốn thuế về theo đường mậu biên, thời trang trong nước không thua kém gì hàng bình dân đến cao cấp của Quảng Châu, Thẩm Quyến, Hồng Kông (Trung Quốc). Trong giai đoạn hiện nay, khi loạt các công ty may mặc lớn làm hàng xuất khẩu, không có đơn hàng, đang sa thải hàng chục ngàn công nhân, nếu tạo điều kiện tốt cho hoạt động may mặc trong nước phát triển ổn định, chính các cơ sở may tư nhân, phục vụ thị trường nội địa sẽ là điểm tiếp nhận phần lớn lực lượng lao động này. Ngay cơ sở chúng tôi, hiện đang thuê gia công từ bên ngoài là nhóm hàng chục công nhân từng làm trong công ty may mặc xuất khẩu vừa thất nghiệp”.
Sáng 25.11, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) mở cửa phòng trưng bày nhận diện hàng thật, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ... để người dân tham quan và tìm hiểu kiến thức phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Các mặt hàng trưng bày chủ yếu là bánh kẹo, bia rượu, mỹ phẩm, hoa quả. Phòng trưng bày này mở cửa từ nay đến hết ngày 30.11 tại địa chỉ 62 Tràng Tiền, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội.
"Miss Cosmo 2024" với sự góp mặt của các người đẹp đến từ hơn 70 quốc gia và đồng hành cùng cuộc thi trong vai trò healthcare director là bác sĩ Bích Na.