Rạng sáng 1.12, một phần quả đồi ở ven sườn núi ngấm no nước mưa, bị nhão do mưa lớn đã đổ sập xuống tuyến QL40B tại vị trí Km 80+100 đoạn qua xã Trà Giác (H.Bắc Trà My, Quảng Nam); khối lượng đất đá, cây cối tràn xuống đường ước tính hơn 10.000 m3. Vụ sạt lở núi khiến cho tuyến giao thông lên 3 xã vùng cao của H.Bắc Trà My là Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ka và lên địa bàn huyện giáp ranh Nam Trà My hoàn toàn bị cắt đứt.
Đến trưa cùng ngày, vị trí sạt lở cơ bản thông tuyến bước 1. Đây là vụ sạt lở núi thứ 2 tại vùng cao Quảng Nam xảy ra chỉ trong 2 ngày. Trước đó, khoảng 16 giờ ngày 30.11, một quả đồi lớn trên khu vực đồi cao ở H.Nam Trà My bất ngờ sạt lở, khiến hàng ngàn khối đất đá tràn xuống phủ lấp tuyến đường dẫn vào làng Tắc Pét - Măng Tông, thôn 5, xã Trà Cang (Thanh Niên đã thông tin). Đến trưa hôm qua, điểm sạt lở đã khắc phục xong.
Cùng ngày 1.12, UBND H.Ba Tơ (Quảng Ngãi) cho hay, mưa lũ những ngày qua đã làm sạt lở hàng loạt điểm trên địa bàn, nhất là ở hai xã vùng cao Ba Nam và Ba Lế. Ông Phạm Văn Á (ở thôn Xà Râu, xã Ba Nam) cho biết từ trưa 29.11, đất bắt đầu lở ầm ầm ở đây. Tại hiện trường, hàng ngàn khối đất đá đổ xuống suối. Ngày 1.12, điểm sạt lở đất này vẫn tiếp tục chảy từng mảng đất, đá không ngớt xuống suối Lịch, trong khi trời vẫn còn mưa lớn từng đợt. Cách điểm sạt lở chừng 5 m là một số nhà dân, nếu tiếp tục mưa thì 20 nhà (với 90 nhân khẩu) sẽ bị đe dọa, trong đó có 4 ngôi nhà có thể đổ xuống suối Lịch bất cứ lúc nào.
Ông Phạm Văn Đin, Chủ tịch UBND xã Ba Nam, cho biết trên địa bàn xã có 10 điểm sạt lở mới, hơn 1 km đường liên thôn bị hư hỏng nặng, các phương tiện không thể lưu thông, gần 80 hộ dân với gần 300 nhân khẩu, có nguy cơ bị cô lập.
Lực lượng chức năng chuyển mì ăn liền, nước uống đến hỗ trợ người dân ở H.Tuy Phước (Bình Định)
Nhiều khu dân cư ở Bình Định vẫn bị cô lập
Ngày 1.12, trên địa bàn tỉnh Bình Định dứt mưa, nước lũ trên các sông rút dần nhưng nhiều khu dân cư và đường giao thông ở các huyện Phù Cát, Tuy Phước, TX.An Nhơn và TP.Quy Nhơn vẫn còn bị chia cắt; trong đó, một số xã của H.Tuy Phước vẫn còn ngập sâu, chính quyền địa phương phải tiếp tế mì tôm, nước uống.
Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (Ban Chỉ đạo), Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết, cập nhật đến 18 giờ ngày 1.12, mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, Tây nguyên đã làm 12 người chết và mất tích. Theo thống kê của các tỉnh miền Trung, Tây nguyên, mưa lũ trong những ngày qua đã làm ngập lụt, hư hỏng 775 ha lúa và hơn 617 ha hoa màu; làm chìm 3 tàu cá và 2 sà lan tại các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi và Khánh Hòa.
Phú Yên thiệt hại nặng nề
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, trong ngày 1.12 vẫn còn khoảng 12.000 nhà dân trên địa bàn tỉnh bị ngập nước. Ngoài ra, tại huyện miền núi An Lão, tuyến đường từ xã An Trung đi xã An Vinh, xảy ra sạt lở tại 10 vị trí, trong đó 2 vị trí có khối lượng đất đá lớn gây chia cắt giao thông. Tuyến đường từ thị trấn An Lão đi xã vùng cao An Toàn bị sạt lở tại nhiều vị trí với tổng khối lượng đất đá tràn xuống đường hơn 10.000 m3.
Tại Phú Yên, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết trong đợt mưa lũ này, Phú Yên đã có 3 người chết, 3 người mất tích; hơn 50.140 căn nhà ngập sâu dưới 1 m và có 3 nhà hư hỏng hoàn toàn. Lũ còn làm ngập nước, ngã đổ hơn 455 ha lúa vụ mùa, 564 ha hoa màu bị thiệt hại; 1.880 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 1 tàu cá chìm trên biển, 1,5 ha tôm các loại bị vỡ hồ, cuốn trôi.
Toàn tỉnh đã di dời, sơ tán 18.535 nhân khẩu với 5.517 hộ. Hiện nay, mực nước các sông ở Phú Yên đang xuống chậm, nên nhiều vùng trũng thấp còn bị ngập lụt và chia cắt cục bộ.
Tại Gia Lai, có 36 hộ dân trên địa bàn các xã, thị trấn ở H.Krông Pa có nhà bị ngập. Nước lớn cũng tràn qua các vùng trũng thấp tại 11 xã trên địa bàn huyện này, gây ngập úng diện tích hoa màu các loại như: sắn, thuốc lá, lúa với hơn 74 ha. Cống nước tại buôn Ia Prông, xã Đất Bằng bị sạt lở; công trình đập dâng Uar đã bị đất cát bồi lấp toàn bộ tuyến kênh chính. H.Đăk Pơ có gần 50 ha cây trồng các loại bị ngập.
Hàng ngàn hộ dân TP.Nha Trang không kịp trở tay
Ngày 1.12, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, cho biết ngày 30.11 - 6 giờ ngày 1.12, tỉnh Khánh Hòa mưa to, có nơi mưa rất to khiến một số khu vực ngập rất nặng. Tại TP.Nha Trang, các xã: Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh có trên 5.000 hộ dân bị ngập gần như hoàn toàn.
Theo nhiều người dân nơi đây, chưa có năm nào họ bị ngập lụt như năm nay. Nguyên nhân người dân cho rằng, do nhiều hồ chứa xả lũ hết công suất, trong khi người dân không được thông báo trước để chuẩn bị. Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, trong đêm 30.11 và rạng sáng 1.12, trên địa bàn tỉnh có mưa rất to; lũ trên sông Cái Nha Trang và sông Dinh Ninh Hòa đều vượt mức báo động 3. Hiện do mưa tạm ngớt nên nước trên các sông nói trên đã giảm xuống báo động 2 và báo động 1.
Ngày 1.12, ông Nguyễn Văn Đàm, Tổng giám đốc Công ty CP cấp thoát nước Khánh Hòa, cho biết sau khi sà lan trôi từ thượng nguồn sông Cái Nha Trang về khu vực cầu Hà Ra (TP.Nha Trang) đã đâm vỡ 2 đường ống dẫn nước (ảnh), buộc đơn vị phải đóng van ở 2 đường ống cấp nước này khiến hàng ngàn hộ dân của các phường Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Hải, Vĩnh Hòa và Vĩnh Lương ở khu vực bắc TP.Nha Trang không có nước sinh hoạt.
Lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa đang khẩn trương giải cứu 2 sà lan mắc kẹt cũng như tìm cách đấu nối đường dẫn nước bị vỡ.
Vĩnh Thích Ăn Ngon tranh giải LifeStyle Content Creator Of The Year tại TikTok Awards Việt Nam 2024 cùng Đình Phát Make Up, Hoàng Minh Ngọc, EmLy Review, Lê Pa Da và Sammy.
"Miss Cosmo 2024" với sự góp mặt của các người đẹp đến từ hơn 70 quốc gia và đồng hành cùng cuộc thi trong vai trò healthcare director là bác sĩ Bích Na.