Tối 25-1, nhiều hành khách bày tỏ bức xúc trên mạng xã hội khi bay từ TP.HCM ra Vinh phải hạ cánh tại Nội Bài (Hà Nội), rồi đi ôtô về Vinh, hoặc chờ sáng 26-1 bay từ Hà Nội về Vinh khi thời tiết tốt...
Theo Cục Hàng không, lúc 19h30 tối 25-1, sân bay Vinh có sương mù khiến các chuyến bay không đủ tầm nhìn hạ cánh.
Có 5 chuyến bay của Vietjet, Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Bamboo Airways từ TP.HCM đến Vinh phải chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Đồng thời, có 6 chuyến từ TP.HCM đến Vinh cũng bị hủy và bay bù chuyến vào sáng 26-1 bao gồm: VN7292, BL6436, VJ216, VN7296, VN7290, VN7272.
Ông Trần Hoài Phương - giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc - cho biết với 5 chuyến bay chuyển hướng hạ cánh tại Nội Bài, các hãng hàng không đã phục vụ nước uống cho hành khách, hỗ trợ và liên hệ xe đưa khách về Vinh bằng đường bộ.
Riêng với hành khách chuyến bay VN7260, Vietnam Airlines đã hỗ trợ tiền bồi thường, phục vụ, bố trí chỗ nghỉ với hành khách bay trở lại Vinh bằng chuyến bay VN8715 vào ngày 26-1.
Tuy nhiên, theo thông tin từ các hãng hàng không, có một số hành khách không đồng ý đi xe về Vinh, yêu cầu máy bay bay tiếp vào sáng mai; bức xúc vì cho là hãng lừa dối thực hiện chuyến bay ghép để lấy khách rồi chở về Hà Nội…
Với tình hình thời tiết bất lợi cho hàng không trong dịp này, Cục Hàng không đã chỉ đạo các hãng hàng không, đơn vị liên quan cập nhật tình hình, thông báo, giải thích, hỗ trợ hành khách khi có chuyến bay bị ảnh hưởng. Các cảng vụ hàng không cũng được giao tăng cường vai trò giám sát việc thực hiện của các hãng hàng không, đảm bảo an ninh trật tự tại các sân bay.
Theo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, ở các sân bay khu vực Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa và miền Bắc, hiện tượng sương mù thường xảy ra vào đêm và sáng sớm mùa đông kết hợp không khí lạnh dễ xảy ra mưa phùn, mây thấp kèm sương mù.
Hình thế thời tiết này làm giảm tầm nhìn, giảm khả năng quan sát, định hướng, định vị của phi công. Từ đó làm giảm khả năng điều khiển máy bay cất hạ cánh chính xác và dễ gây va chạm trên không, va chạm với chướng ngại vật tĩnh không và va chạm với địa hình… Trong ngành hàng không, hiện tượng gây giảm tầm nhìn xấu được xem là hiện tượng nguy hiểm có khả năng uy hiếp an toàn bay.
Tình trạng thời tiết trên khiến nhiều thời điểm các sân bay phía Bắc không tiếp nhận được máy bay. Có năm sân bay Cát Bi bị gián đoạn hoạt động cả tuần do sương mù, thời tiết xấu. Thống kê trung bình tại các sân bay miền Bắc trong 3 tháng đầu năm 2021, mỗi tháng có khoảng 21 chuyến bay phải hoãn, hủy và chuyển hướng hạ cánh do thời tiết xấu.
Việc chuyển hướng hạ cánh, hoãn hủy chuyến do thời tiết gây bất tiện, bức xúc cho hành khách và cũng khiến các hãng hàng không bị thiệt hại nặng.
Cụ thể, khi có chuyến bay bị chậm, hủy chuyến, chuyển hướng hạ cánh sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền tới các chuyến bay khác theo lịch bay đã được bố trí; tăng chi phí nhiên liệu khi bay chờ, chuyển hướng đến sân bay khác; tăng chi phí bay rỗng đến sân bay khác đón khách; chi phí hỗ trợ hành khách bị ảnh hưởng.