Những câu thoại đầy suy tư trong "Thiếu niên và chim diệc"
Theo dõi MoliStar.com trên
Nhận nhiều lời khen của giới phê bình và khán giả trên phương diện kỹ thuật hoạt hình, hình ảnh và âm nhạc, song Thiếu niên và chim diệc của đạo diễn Hayao Miyazaki cũng mang rất nhiều giá trị độc đáo trên phương diện cốt truyện.
Phim lồng ghép rất nhiều chi tiết ẩn dụ mà mỗi khi phân tích, khán giả có cảm giác đang được nghe chính Miyazaki tâm sự về cuộc đời ông. Và để bổ trợ cho những chi tiết đó, những câu thoại dẫu đơn giản nhưng tràn đầy sự suy tư cũng được cài cắm xuyên suốt bộ phim.
“Một con diệc xanh nói với ta, bọn diệc xanh đều là lũ dối trá. Vậy nó nói thật hay nói dối?”
Chim diệc là người bạn đồng hành của Mahito trong suốt hành trình phiêu lưu bên trong tòa tháp kỳ bí. Ban đầu, Mahito tỏ ra nghi ngờ chim diệc, giữa cả hai xảy ra nhiều xung đột. Cậu bé mới “từ phố về quê”, lại chịu những đả kích nặng nề sau sự ra đi của mẹ, không thể chấp nhận việc một con vật kỳ quái cứ liên tục lảng vảng bên cạnh bất chấp sự xua đuổi của cậu.
Thế nhưng, một ngày kia, con diệc xanh nói với Mahito rằng mẹ cậu vẫn còn sống, và đang đợi cậu bên trong tòa tháp. Hàng loạt sự kiện xảy ra khiến Mahito quyết định bước vào tòa tháp bất chấp sự cảnh báo của dì Natsuko, và chuyến phiêu lưu của cậu bắt đầu.
Ngay trong chính những đoạn hội thoại giữa Mahito và diệc xanh cũng lập lờ giữa thực - ảo, thật - mơ. Đôi khi, Mahito không biết diệc xanh đang nói thật hay nói dối, và mục đích của nó là gì. Chính câu hỏi cậu dành cho diệc xanh cũng khiến nó lòng vòng và đưa ra lời hồi đáp kỳ quặc. Thế nhưng sau này, qua rất nhiều thách thức, Mahito biết rằng diệc xanh là một người đồng hành tuyệt vời, tri kỉ của cậu. Và hóa ra, thực sự có những điều diệc xanh nói mà không phải nói dối. Nếu không có diệc xanh, sẽ không có bất cứ cuộc phiêu lưu nào, cũng sẽ không có những khoảnh khắc khiến Mahito giác ngộ ý nghĩa thực sự của cuộc sống.
“Tên của cậu là Mahito, có nghĩa là một người chân thật. Có lẽ vì vậy mà cậu không sợ cái chết.”
Chọn cho nhân vật chính của mình cái tên Mahito, đạo diễn Miyazaki Hayao muốn xây dựng một nhân vật trung tâm là nam với những phẩm chất tốt đẹp, cao quý nhất. Trước đây, ông từng tạo ra nhiều nhân vật nam chính được yêu mến khác như Haku hay Howl, tuy nhiên các nhân vật trung tâm của Miyazaki hầu hết là các bé gái. Trong 2 tác phẩm gần nhất là The Wind Rises và Thiếu niên và chim diệc, câu chuyện của ông mới xoay quanh các cậu bé nhiều hơn.
Cách viết theo Hán tự của Mahito có thể được dịch thành “chân nhân”, tức “một người chân thật”. Bản thân cách đọc của tên “Mahito” cũng bắt nguồn từ tiếng Nhật cổ, được bắt gặp trong hiệu của bậc đế vương xưa kia, cũng như được sử dụng trong các thị tộc bắt nguồn từ hoàng gia. Đạo diễn Miyazaki muốn xây dựng một Mahito cao quý, đáng ngưỡng mộ như vậy.
Và quả thực, trong bộ phim, các phẩm chất tốt đẹp của Mahito cũng được thể hiện trọn vẹn. Cậu không phải dạng anh hùng nói đạo lý thường thấy, nhưng sự dũng cảm của Mahito được thể hiện qua từng diễn biến tâm lý của cậu. Dù có mối quan hệ phức tạp, xa lạ với dì Natsuko, khi nghe tin cô một mình đi vào tòa tháp, Mahito không ngần ngại đi vào tòa tháp bí ẩn để cứu dì. Hay khi Natsuko nằm trong phòng với biết bao nguy hiểm, một tiếng “Mẹ!” từ đáy lòng Mahito khiến Natsuko như tỉnh ngộ. Hành trình trong tòa tháp không chỉ chứng tỏ những phẩm chất tốt đẹp của Mahito, mà còn giống như hành trình đi tìm “bản sắc chân chính” của con người Mahito.
“Ta đã già rồi. Ta tìm một người thừa kế. Mahito, cháu sẽ tiếp tục công việc của ta chứ? Thế giới này trở nên đẹp đẽ hay ghê tởm, hoàn toàn do cháu định đoạt.”
Có nhiều ý kiến cho rằng, nhân vật Tháp Chủ chính là một “hiện thân” của Miyazaki trên màn ảnh, với những trăn trở của ông trong những năm tháng cuối đời. Tòa tháp mà Tháp Chủ xây dựng lên trên công sức của biết bao người, và rồi ông “biến mất” khỏi thế giới này để ngự trị nơi đó chính là Studio Ghibli - gia tài, đam mê cả cuộc đời của người nghệ sĩ. Theo lời kể của Natsuko, khán giả có thể phát hiện ra nhân vật Tháp Chủ và Miyazaki có rất nhiều điểm tương đồng, ngay trong chính sự cứng đầu, cực đoan khi đắm mình trong thế giới sáng tạo của riêng ông.
Khi bước đến những năm tháng cuối đời, lưng đã mỏi, tay đã run, Miyazaki chẳng còn có thể dồn hết tâm sức cho sản nghiệp của mình, cũng như Tháp Chủ biết rằng mình không thể sống và ngự trị nơi này mãi mãi. Bởi vậy, ông chờ đợi một người trong “cùng dòng máu” với ông - như Mahito - để đến và tiếp quản nơi đây, giống như câu chuyện của đạo diễn Miyazaki và con trai mình.
“Bước qua cánh cửa đó, cô sẽ chết trong ngọn lửa bệnh viện. / Lửa thì có gì đáng sợ chứ? Thật tuyệt vời khi được sinh ra Mahito.”
Một người đặc biệt mà Mahito gặp gỡ trong tòa tháp là Himi - cô gái có khả năng điều khiển ngọn lửa. Thế nhưng, cậu càng bất ngờ hơn khi biết rằng Himi chính là nhân dạng thời niên thiếu của mẹ cậu, Hisako.
Himi và Mahito lần đầu gặp thông qua Kiriko, khi Himi cứu các chú Warawara đáng yêu. Sau đó, Himi cũng một lần nữa cứu mạng Mahito và dẫn cậu đến thế giới của cô. Tại đây, Mahito phát hiện ra sự thật Himi chính là mẹ của cậu, và bà cũng đã từng có quãng thời gian một năm trời biến mất trong tòa tháp khi còn nhỏ.
Cùng với chim diệc, Himi trở thành người bạn đồng hành của Mahito trên hành trình phiêu lưu trong tòa tháp. Và chính trên hành trình này, Himi nhận ra Mahito - cậu “con trai” của mình là một người tuyệt vời, dũng cảm, gan dạ đến nhường nào.
Cuối cùng, khi phải lựa chọn cánh cửa để ra khỏi tòa tháp đang sụp đổ, Himi vẫn chọn cánh cửa dẫn cô về cuộc sống cũ, nơi cô sẽ lớn lên, sinh ra Mahito nhưng rồi sớm qua đời trong biển lửa. Có lẽ với Himi, việc được làm mẹ của Mahito còn quan trọng và đáng giá hơn chính mạng sống của mình. Câu thoại cuối cùng của Himi khiến cô trở thành một trong những nhân vật nữ can đảm và đáng ngưỡng mộ nhất màn ảnh năm nay.
The Boy and The Heron - tựa Việt: Thiếu niên và chim diệc - đang chiếu tại rạp.
Tung character clip với loạt biểu cảm khó đoán của từng nhân vật, "Linh Miêu - Quỷ nhập tràng" thách đố khán giả tìm xem ai mới là kẻ mang đến tai ương.
"Công tử Bạc Liêu" còn là bức tranh cảm động về tình cha con và ý chí vượt qua rào cản xã hội, khát vọng định hình một tương lai mới giữa bối cảnh giao thoa văn hóa Việt - Pháp đầy biến động.