Những câu thoại chạm đến trái tim trong phim “Gia tài của ngoại”
Theo dõi MoliStar.com trên
Với độ phủ sóng mạnh mẽ hiện tại cùng nội dung phim chất lượng, nhận nhiều lời khen từ cả giới chuyên môn và khán giả, Gia Tài Của Ngoại được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên những thành công mới, khởi động mùa phim hè rực rỡ tại phòng vé Việt năm nay.
Ra rạp vào mùa hè năm nay, siêu phẩm gia đình đến từ Thái Lan Gia tài của ngoại (tựa tiếng Anh: How to Make Millions Before Grandma Dies) gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả Việt nhờ những thước phim bình dị, gần gũi nhưng lại đủ sức khơi dậy những xúc cảm mạnh mẽ nhất trong sâu thẳm trái tim mỗi người khi nhớ về gia đình, người thân. Và để hỗ trợ cho việc khai thác cốt truyện đơn giản mà thấm đẫm hoài niệm ấy, những lời thoại đắt giá đóng vai trò vô cùng quan trọng. Không đao to, búa lớn hay giảng giải đạo lý, chúng chạm đến khán giả bằng những gì thân thuộc nhất.
“Anh có biết điều gì mà mọi người già muốn nhưng không đứa con cháu nào cho họ được không? Là thời gian.”
Xuất hiện ngay trong phần giới thiệu của bộ phim, câu thoại do cô em họ Mui (Tu Tontawan thủ vai) có thể coi là “tinh thần” chung mà bộ phim muốn gửi gắm. Trong cuộc sống hiện đại, sau khi trưởng thành, dẫu ta có một sự nghiệp thành công như cậu Kiang hay sống vất vả như bà Sew - mẹ của M và cậu Soei, thì dường như ta đều có một điểm chung: ta không còn lui về nhà nhiều nữa, cũng không còn nhiều thời gian cho cha mẹ nữa, dù đôi khi thứ họ cần nhất trong những ngày cuối đời chẳng phải tiền tài hay sự giàu sang.
“Anh chưa ở với bà đủ lâu. Anh phải ở đến chừng nào anh không ngửi thấy mùi gì nữa. Bây giờ đến mùi nước tiểu của ông em còn không thấy hôi.”
Để định nghĩa như thế nào là “mối quan hệ gần gũi” với ông bà, cô y tá Mui đã giải thích với M theo cách đơn giản nhưng rất “đời” như thế. Ở bên cạnh ông, bà vào những ngày cuối đời, ta vừa chăm sóc họ cả về mặt thể chất, cả về mặt tinh thần. Với Mui và sau này là M, ta chỉ thực sự thân thuộc với họ khi ta thân thuộc với tất cả những gì thuộc về họ, dù là không gian sống có phần chật hẹp, những thói quen khó bỏ hay cả “mùi của người già” nữa.
“Họ là con, mình là cháu. Họ yêu thương nhau từ trước khi mình ra đời.”
Khi bắt đầu hành trình “giành quyền thừa kế” căn nhà của bà, M phần nào đã nhận ra sự yêu thương tuyệt đối mà bà dành cho ba người con của mình, cũng như cảm thấy những khoảng cách nhất định khi ở bên bà. Cho dù là một thanh niên trẻ có vẻ lông bông, M lại tự tìm được cho mình một lời giải thích cực kỳ sâu sắc. Cậu không hề tự tặng bản thân “kim bài” được yêu thương chỉ vì là cháu trai nhỏ trong nhà; trái lại, M biết rằng tình yêu thương phải được bù đắp từ cả khía cạnh thời gian, sự gần gũi. Những người con, cho dù giờ đây chẳng còn bên bà nhiều như xưa, vẫn luôn giữ một vị trí quan trọng trong lòng bà.
Bà không thích những ngày sau năm mới. Tủ lạnh chất đầy đồ ăn mà bà phải ăn một mình.
Mỗi dịp năm mới đến, ta hay nói đùa, sợ Tết thật đấy. Nhưng với những người già sống một mình như Ngoại, có lẽ những ngày Tết - và sau đó là quãng thời gian họ không muốn trải qua nhất. Đồ ăn chất đầy để thấy giờ đây cuộc sống đã khấm khá, và rằng ta vẫn khao khát được ở bên người thân, cùng quây quần ăn bữa cơm gia đình, nhưng hiện thực thì ngược lại: ta cô đơn hơn bao giờ hết.
Nó có gia đình rồi, cũng phải nghĩ đến gia đình nó chứ. / Vậy bà không phải gia đình của cậu sao?
Câu hỏi của M với bà khiến bất cứ khán giả nào cũng phải giật mình nhìn lại cuộc sống của chính mình. Bước vào tuổi trưởng thành, ta gặp gỡ thêm nhiều người hơn, ta chấp nhận họ bước vào cuộc sống của ta, cùng ta chia sẻ một mái nhà mới. Thế nhưng, điều đó có nghĩa ta buộc phải rời xa gia đình đã ở bên ta từ những ngày đầu tiên đến với cuộc đời này? Trong cuộc sống hiện đại, nơi mà ý thức về cuộc sống cá nhân trở nên cao hơn bao giờ hết, đây cũng là vấn đề mà mỗi người nên suy ngẫm, trăn trở.
Bà tệ lắm. Bà thương sai người.
Câu trách móc của M với bà khi thấy bà dành hết gia tài cả cuộc đời cho các con - dẫu các con luôn khiến bà bận lòng - lại chính là lời khẳng định rõ ràng nhất về tình yêu to lớn mà cậu cháu trai dành cho bà. M có giận bà vì bà không để lại “gia tài” cậu mong muốn cho cậu không? Không, M giận bà, vì bà luôn yêu thương vô điều kiện, không đòi hỏi phải nhận lại bất cứ điều gì.
Bà ơi. Con xếp bà hạng nhất trong lòng con nha.
Cả cuộc đời bà, M không nhận được câu trả lời rằng cậu xếp thứ mấy trong lòng bà. Nhưng sau cả chặng đường những ngày ngắn ngủi cuối đời của bà, cùng với “gia tài” mà bà để lại, khiến bà trở thành người quan trọng nhất trong trái tim M. Phân cảnh rắc hoa của M ở đầu phim và cuối phim giống hệt nhau. Điểm đối lập chỉ là, ở đầu phim, M không tin, còn ở cuối phim, M đã tin. Và cậu mong gặp lại người hạng nhất trong lòng mình hơn bao giờ hết, dù chỉ là ở trong mơ.
Tung character clip với loạt biểu cảm khó đoán của từng nhân vật, "Linh Miêu - Quỷ nhập tràng" thách đố khán giả tìm xem ai mới là kẻ mang đến tai ương.
"Công tử Bạc Liêu" còn là bức tranh cảm động về tình cha con và ý chí vượt qua rào cản xã hội, khát vọng định hình một tương lai mới giữa bối cảnh giao thoa văn hóa Việt - Pháp đầy biến động.