Để làm nên siêu phẩm sinh tồn quái thú đầu tiên của Việt Nam mang tên Móng vuốt, ê-kíp của đạo diễn Lê Thanh Sơn đã rất nỗ lực đầu tư, tỉ mỉ nghiên cứu nhằm tạo ra hình tượng “phản diện” độc đáo, bắt mắt nhất. Để làm nên con gấu Mật hung tợn đối đầu nhóm bạn trẻ, Lê Thanh Sơn đã trải qua nhiều phương án, cuối cùng bắt tay làm việc với Thierry Nguyễn từng làm nên thành công của loạt phim như Thanh Sói, Trạng Tí, Hai Phượng, Người bất tử, Em và Trịnh…
Lê Thanh Sơn bộc bạch rằng đúng thật anh rất liều khi chọn làm đề tài sinh tồn và mạo hiểm ở Việt Nam. Mặt khác, anh muốn tìm một hành trình và đích đến thử thách một chút thì mới vui. “Trong phát triển câu chuyện và kịch bản, có một phần gọi là ‘đối diện với sinh tử’. Dù cho trong một câu chuyện hài, không có ai chết cả thì yếu tố sinh tử, một ai đó đấu tranh bằng cả sinh mạng vẫn tồn tại.
Giống Hoàng trong Em chưa 18 khi bị bắt giam, nguy cơ mất cả sự nghiệp vì 1 cô nàng trẻ tuổi. Tuy nhiên gần đây tui cũng hơi ngán chút xíu yếu tố sinh tử trong phim hài, thích không khí rừng rú, cảnh đẹp Việt nam nên đã tìm một câu chuyện sinh tử nơi rừng hoang. Chưa kể, tôi cũng nghiên cứu trend các bạn trẻ gần đây là thích đi phượt, khám phá đất nước Việt Nam và trải nghiệm du lịch, mạo hiểm”, Lê Thanh Sơn bổ sung.
Còn về chuyện chọn con gấu làm phản diện, Lê Thanh Sơn tiết lộ ê-kíp đã xem qua rất nhiều phương án thú dữ như voi, hổ, cá sấu, rắn… Sau cùng, anh chọn gấu vì thứ nhất, đó là con vật sau cùng mà bất kỳ ai nghĩ sẽ gặp trong rừng. Thứ hai, nó còn là một phần trong câu chuyện đời thực ám ảnh của biên kịch Trần Khánh Hoàng.
“Hoàng kể rằng khi 14 tuổi, Hoàng đã thấy nhiều con gấu bị nhốt trong chuồng. Vì có cha là một kiểm lâm nên Hoàng rất yêu thiên nhiên, cảm thấy thương cho những con vật bị nuôi nhốt, lấy mật như thế. Thành ra, nỗi ám ảnh ấy đã làm khó tôi. Tôi hiểu rằng vẽ một con gấu như thật rất khổ. Thà tạo một nhân vật hư cấu, không có hệ quy chiếu thì dễ. Có nhiều lúc tôi hỏi Hoàng đổi con gấu thành bầy rắn, hay một con gấu đột biến. Thế nhưng Hoàng nói ‘Không, nó phải là con gấu’. Sau khi tìm hiểu câu chuyện của Hoàng thì tôi thấy yêu câu chuyện, yêu trái tim này và muốn bảo vệ nó”, Lê Thanh Sơn bày tỏ.
Để biến ý tưởng con gấu Mật này thành hình thành dạng trong Móng vuốt, Lê Thanh Sơn đã chọn phương án ban đầu là “practical” - tức làm bộ mascot thủ công. Công đoạn này theo lý thuyết sẽ giúp tiết kiệm chi phí, đồng thời rút ngắn cả giai đoạn hậu kỳ cho đoàn phim.
Lê Thanh Sơn tiết lộ: “Ban đầu chúng tôi làm một bộ đồ gấu giả. Điều này đã được Hollywood làm từ rất lâu, khi kỹ thuật vi tính vẫn chưa phát triển mạnh. Chúng tôi cũng theo đó mà nghiên cứu, tạo nên một con gấu có động cơ, điều khiển được từ bên trong. Chúng tôi bỏ ra 250 triệu đồng để làm con gấu, cuối cùng chốt kiểu dáng gấu từ Úc. Chúng tôi học từ một triển lãm, tại đây họ có một mô hình gấu trắng Bắc Cực mà tôi nghĩ có thể áp dụng vào con gấu của Móng vuốt. Khi ấy đơn giản tôi nghĩ ngoài kia người ta ai cũng dùng kỹ thuật này nên ê-kíp làm theo thôi”.
Lê Thanh Sơn đã nhờ đến họa sĩ Phan Vũ Linh, để anh hình tượng hóa nó ra thành hiện thực. Sau khi Lê Thanh Sơn mang thành phẩm sang cho biên kịch Trần Khánh Hoàng xem, anh chỉ nói ngắn gọn: “Không”. Dù không sử dụng chính thức trong phim nhưng đạo diễn vẫn tận dụng tối đa bộ mascot, như tạo cảm xúc cho diễn viên khi tham gia cảnh phim, xác định tỷ lệ người đứng trước - sau cho đúng, hay 2-3 giờ sáng tôi còn dắt con gấu ra cho… đoàn phim tỉnh ngủ.
“Ngoài ra tôi còn định sử dụng nó cho những cảnh quay cận, hay cảnh con gấu quào vào gầm xe… nhưng tất cả đều ‘bể’ hết. Ngày nay không có gì mà ống kính không thấy. Khi mà quay cận thì hình ảnh diễn viên thở qua những lỗ thông gió đều lộ ra hết”, anh bày tỏ sự khó khăn của mình.
Quá trình thiết kế hình ảnh gấu Mật trong Móng vuốt khó đến từng chi tiết. Riêng việc thiết kế gương mặt đầy sẹo của nó theo yêu cầu câu chuyện đã tốn nhiều thời gian. Thierry chia sẻ: “Trước khi bắt tay làm con gấu, tôi và Sơn đã cùng nhau bàn bạc, tìm hiểu câu chuyện của nó. Nhờ vậy thì khán giả mới hiểu được vì sao con gấu lại có vết sẹo trên mặt, nó có lý do cả. Quá trình này thôi cũng tốn của tôi mất vài tháng, như việc màu sẹo thế nào là tươi và lâu, hay chỗ nào trụi lông… đều được bàn đi bàn lại nhiều lần. Ban đầu thì nó khá ghê, trông chẳng khác gì zombie, nhưng tôi vẫn muốn khán giả cảm nhận được đây là con thú thật”.
Bên cạnh con gấu, Lê Thanh Sơn còn phải nhờ đến “phù thủy kỹ xảo” Thierry ở những phân đoạn cảnh thiên nhiên trong mơ, những địa điểm mà đoàn phim khó tiếp cận ngoài đời vì quá hiểm trở. “Tôi muốn đưa nhóm bạn đến một đỉnh núi cao, có mây bao quanh, trước mặt là chiếc hồ lớn trông như tiên cảnh. Nhưng vì đoàn phim không đến được địa điểm như mong muốn nên vẫn phải nhờ đến kỹ xảo. Một cảnh đẹp trên không và nhóm bạn bị mắc kẹt trong cảnh đẹp đó. Lối ra duy nhất thì đã bị con gấu trấn giữ.
Thierry không chỉ giúp tôi thiết kế kẻ trấn giữ - con gấu mà làm luôn ‘nhà giam’ đẹp như trong mơ ấy, từ triền núi, ánh nắng, mặt trời, ánh bạc trên hồ đến đàn chim đều không thật, khiến chúng tôi mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện”, Lê Thanh Sơn nói.
Lê Thanh Sơn ban đầu đã không đồng ý phương án previs khi nghe phải mất 1 tháng. Thế nhưng sau cùng, Lê Thanh Sơn và ê-kíp Móng vuốt đồng ý đi theo cách này và đúng thật đã giúp cho quá trình quay rất nhiều. “Ngày nào có previs thì quay xong cực nhanh, hơn là đến lúc quay mới phải tư duy, nghĩ xem quay thế nào và có thể mắc rất nhiều sai lầm”, Lê Thanh Sơn chia sẻ.
Lê Thanh Sơn cũng khẳng định khi quay cùng diễn viên mặc đồ xám, các diễn viên đều rất tập trung chứ không bị phân tâm hay mắc cười: “Các diễn viên đã được tập trước với cascadeur, cũng xem qua previs hết rồi nên không có khó khăn gì. Các bạn đều rất chuyên nghiệp”.
Tung character clip với loạt biểu cảm khó đoán của từng nhân vật, "Linh Miêu - Quỷ nhập tràng" thách đố khán giả tìm xem ai mới là kẻ mang đến tai ương.
"Công tử Bạc Liêu" còn là bức tranh cảm động về tình cha con và ý chí vượt qua rào cản xã hội, khát vọng định hình một tương lai mới giữa bối cảnh giao thoa văn hóa Việt - Pháp đầy biến động.