Dù "sinh sau đẻ muộn" hơn hai phiên bản trước đó nhưng với thế mạnh trong dòng phim học đường,
Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi phiên bản Thái Lan hứa hẹn sẽ trở thành một phiên bản vô cùng vui tươi và gần gũi với giới trẻ. Cùng được xây dựng trên câu chuyện về tình yêu, tình bạn gây hoài niệm của cuốn tiểu thuyết gốc nhưng mỗi phiên bản điện ảnh đều mang một phong cách và hơi thở thanh xuân riêng biệt. Với
Châu báu đời tôi, bộ đôi đạo diễn Naphat Chitveerapat và Kanittha Kwanyu chú tâm tái hiện bầu không khí của thời "nhất quỷ nhì ma" cực kỳ tươi sáng, tràn ngập tiếng cười. Khán giả thưởng thức bộ phim có thể dễ dàng đồng cảm với những trò quậy phá của Tong cùng đám bạn. Hay cô nàng Lin - hình mẫu hoàn hảo "tài sắc vẹn toàn" mà có lẽ ai cũng từng ao ước trở thành.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác tạo nên sự khác biệt lớn nhất cho mỗi phiên bản chính là cách xây dựng hình tượng cho cặp đôi chính của câu chuyện. Trong phiên bản Đài Loan đình đám do chính tác giả Cửu Bả Đao đích thân đạo diễn, Kha Cảnh Đằng nổi loạn và quậy phá còn Thẩm Giai Nghi thì trong sáng, ngây ngô. Chuyện tình của cặp đôi Kosuke và Mai trong phiên bản Nhật thì lại đem đến cho khán giả cảm giác trong trẻo và lém lỉnh. Và cuối cùng là Châu báu đời tôi, Tong và Lin thể hiện một câu chuyện mang đầy nhiệt huyết tuổi trẻ nhưng cũng không tránh khỏi những giây phút bồng bột gây tiếc nuối. Nhưng dù là phiên bản nào, bộ phim vẫn là chuyến hành trình nhìn lại tuổi thanh xuân vô cùng tươi đẹp. Đó là khoảng thời gian chúng ta có những người bạn kề vai sát cánh luôn sẵn sàng làm mọi thứ cùng ta và thời thanh xuân cũng chính là nơi chúng ta cất giữ những ký ức quý giá của mối tình đầu ngây dại.