Tiểu Sử

Châu Thanh tên thật là Trần Tuấn Kiệt, sinh năm 1958 (Mậu Tuất) tại xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Ông là con thứ ba trong một gia đình có 6 anh em, 4 trai, 2 gái. Bà con, bạn bè thường gọi ông là ba Kiệt thân thương. Là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng tại Việt Nam, ông được mệnh danh là Danh ca cải lương và "Ông vua hơi dài" bởi cách vào vọng cổ hơi dài độc đáo.

Châu Thanh là nghệ sĩ được khán giả yêu mến qua tuồng xã hội Vụ án Mã Ngưu. Và nam nghệ sĩ được xem là 1 trong những người ở Việt Nam có làn hơi dài nhất. Nghệ sĩ Châu Thanh thường hay có những phong cách hát mới và lạ mọi người thường gọi đó là "Trường Phái Châu Thanh".

Ông Ba Đình, thân phụ Châu Thanh vốn là một nông dân giỏi nghề cày cấy, cắt đập lúa, ngoài làm ruộng nhà, rảnh rỗi ông đi làm mướn nơi khác, để có tiền nuôi đàn con đông đang sức ăn, sức học. Cuộc sống nghèo khổ, vất vả luôn nặng gánh trên vai ông, được cái là ông vốn tính cách hiền lành, vui vẻ, nói năng rất có duyên, lại có giọng hát rất hay.

Sau những lúc dầm mưa, dãi nắng ban ngày, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Chiều về, sau bữa cơm ông Ba Đình hay cùng bạn bè nghèo chung phận tha phương làm mướn, trải đệm dưới tàng cây lớn, nơi mọi người nương ngụ như mái nhà, đờn ca. Vừa lai rai rượu đế với miếng khô, con cá nướng, lời ca tiếng hát làm vơi đi mệt nhọc, tiếp sức cho họ ngày mai tiếp tục thân làm mướn. Đó là phương cách giải trí duy nhất cho họ tạm quên cảnh nghèo.  Vọng cổ, 3 nam, 6 bắc, nghệ sĩ Châu Thanh nghe ông hát thành quen, nơi nào ông Ba Đình đi qua đều để lại những cảm tình thương mến, thậm chí nhiều bà góa thầm yêu ông, dù biết rằng ông rất nghèo, vợ con đùm đề, cái duyên ngầm của người nghệ sĩ ruộng đồng là vậy.

Có lẽ ảnh hưởng từ dòng máu nghệ sĩ của cha, 6 anh em nhà Châu Thanh đều hát nhạc, vọng cổ rất hay, nhưng không ai chọn nghề hát cải lương, chỉ có mỗi Ba Kiệt chấp nhận cuộc phiêu lưu, còn cuộc sống nào khổ hơn với cảnh nghèo cùng cực của gia đình? Lúc ở nhà giọng ca Ba Kiệt đã nghe buồn não nuột. Phải chăng nỗi nghèo khó cơ cực đã thấm vào máu, chất chứa ở tâm tư, mới bật ra tiếng ca buồn vời vợi...

Châu Thanh lập gia đình khá sớm. Châu Thanh và vợ quen biết khi anh ra bến xe trở về quê. Thời điểm này vợ của nghệ sĩ Châu Thanh là con nhà giàu và có rất nhiều người vây quanh, anh lại chưa có sự nghiệp trong tay. Nhưng với sự kiên trì, cuối cùng để chinh phục được vợ, nghệ sĩ Châu Thanh đã phải thuyết phục, lấy lòng bà ngoại của nghệ sĩ Ngọc Huyền Châu. 

Khi đã có 2 con thì Châu Thanh và vợ chia tay, Châu Thanh nuôi con trai lớn Châu Tuấn còn vợ nuôi con gái lớn Châu Ngọc Linh đang sinh sống tại Hoa Kỳ. Sau 10 năm chia tay cả 2 nối lại tình xưa và sinh ra 2 người con đó là con gái thứ 2 ca sĩ Châu Ngọc Tiên và con trai út Châu Bảo hiện đang du học tại Hoa Kỳ.

Gần 45 năm theo nghề, nghệ sĩ Châu Thanh đã tạo được nhiều dấu ấn trong hoạt động nghệ thuật. Khán giả luôn nhớ đến anh qua chất giọng trầm ấm và cách vào vọng cổ hơi dài. 

Sự nghiệp

Năm 1973, 16 tuổi Châu Thanh đã biết đàn guitar phím lõm, anh ca hay, đờn giỏi từ khi còn nhỏ.

Năm 1979, đoàn Sài Gòn 2 về hát ở Tây Ninh, nhạc sĩ Đoàn Huy - cậu của Tuấn Kiệt - làm thầy đờn trong đoàn, nghe anh ca hay liền rủ đi hát. Mới đầu Tuấn Kiệt nghĩ rất thực tế, nhà đông miệng ăn, cấy xong không biết làm gì thì thôi đi hát kiếm cơm, tới mùa lúa rồi quay về làm ruộng tiếp. Vậy mà lần ra đi đó, Tuấn Kiệt theo nghiệp hát cho đến bây giờ!

Vào năm 1982 anh kết hôn với vợ là nghệ sĩ Ngọc Huyền Châu (đào chánh đoàn Cao Nguyên). Cả hai ly hôn sau nhiều năm chung sống không hoà hợp, người về Mỹ người ở Việt Nam. Về sau, khi đoàn tụ, nghệ sĩ Châu Thanh còn nghẹn ngào chia sẻ: "Thời gian đó, Châu Thanh lại liên tiếp bị bệnh phải nhập viện. Thấy không ai chăm sóc anh, vậy là chị quày quả vô bệnh viện. Không túng thiếu nhưng Châu Thanh vờ hỏi... mượn tiền để dò ý vợ. Thấy chị lật đật đi gom tiền về đưa cho mình, Châu Thanh biết rằng trái tim nàng vẫn còn chờ người cũ, vậy là anh tự tin... tổng tấn công. Thuyền lại về bến cũ."

Trước năm 1987, Châu Thanh về hát cho Đoàn Cải lương Cao Nguyên, bắt đầu luyện hơi dài. Anh được lời mời gia nhập Đoàn Cải lương Trung Hiếu và bắt đầu khẳng định tên tuổi một nghệ sĩ có giọng ca hơi dài ấn tượng và có nét riêng biệt trong cách ca, xử lý ngân luyến với nghệ danh Châu Thanh.

Trong cuối thập niên 80, cụ thể từ năm 1987, nghệ thuật cải lương có hiện tượng nghệ sĩ ca dài hơi gây chấn động trong nghệ sĩ và khán giả. Đó là hai nghệ sĩ Châu Thanh và Phượng Hằng thuộc đoàn cải lương Trung Hiếu với vở tuồng Vụ Án Mã Ngưu của soạn giả Đăng Minh. Vở hát Vụ án Mã Ngưu đã một thời gây cơn sốt vé ở những rạp hát mà đoàn cải lương Trung Hiếu trình diễn. Cặp đôi làm mưa làm gió, ăn khách nhất vào cuối thập niên 80 cặp đôi Châu Thanh - Phượng Hằng là cặp đôi Cải lương cháy vé nhất thời điểm đó.

Hồi những năm 1980 - 1990, Châu Thanh là tên tuổi nổi bật, anh hát tuồng nào cũng đông khán giả, một hãng đĩa VN thấy vậy đã ký độc quyền và anh hát chính trên 100 chương trình ở đây!”.

Năm 1996, chị sinh thêm cho anh con gái Ngọc Tiên, ít năm sau là cậu con trai Châu Bảo. Câu chuyện 10 năm tình cũ của Châu Thanh nghe cứ như cuốn phim quay chậm...

Năm 2014, cả gia đình nghệ sĩ Châu Thanh sang Mỹ định cư. Thế nhưng, đã quen với ánh đèn sân khấu, quen với tiếng vỗ tay của khán giả, quen với món canh chua, cá kho tộ quê nhà nên: “Ở bển hoài, vợ chồng tôi đâu chịu nổi nên cứ vài tháng ở Mỹ, vài tháng lại về VN.

"Căn nhà cũ ở Q.8 chúng tôi vẫn giữ nguyên. Được cái khán giả miền Tây còn thương Châu Thanh dữ lắm nên may mắn ở tuổi này tôi vẫn có sô diễn đều đều, vẫn được hát, được gặp gỡ khán giả thân thương. Kiếp sau cho chọn lại tôi vẫn muốn làm nghệ sĩ!” - Châu Thanh hạnh phúc nói.

Giải thưởng: 

  • Diễn viên được yêu thích nhất (1987)
  • Danh ca Vọng cổ được yêu thích nhất (1990) Huy chương Vàng giải Trần Hữu Trang (1993) Huy chương Vàng liên hoan Sân khấu toàn quốc (1995)
  • Biểu tượng xuất sắc (1995)